Lương giáo viên mầm non về hưu thấp: Đóng ít làm sao hưởng nhiều?

Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan sau 37 năm công tác về hưu với mức lương hưu vẻn vẹn 1,3 triệu đồng/tháng và cơ quan bảo hiểm xã hội khẳng định, việc tính lương hưu là hoàn toàn chính xác.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn tâm sự về trường hợp nhận lương hưu quá thấp của cô Trương Thị Lan. (Ảnh: Chụp màn hình)

Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan (trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác về hưu với mức lương hưu vẻn vẹn 1,3 triệu đồng/tháng đang khiến dư luận xôn xao. Thế nhưng, cơ quan bảo hiểm xã hội khẳng định, việc tính lương hưu là hoàn toàn dựa trên nguyên tắc đóng hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội.

[Hướng dẫn tính lương hưu cho giáo viên mầm non công tác trước năm 1995]

Đóng bảo hiểm thấp suốt 17 năm

Theo thông tin các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông đăng tải, cô giáo Trương Thị Lan đã có 37 năm làm giáo viên mầm non nhưng lại chỉ tham gia bảo hiểm xã hội được 22 năm 8 tháng. Đặc biệt, cô Lan có nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội trên nền lương tối thiểu, rất thấp.

(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 01/1995 đến 12/2012 (17 năm, tổng cộng 216 tháng) cô Lan là giáo viên hợp đồng, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất bằng mức lương cơ sở từng thời kỳ (từ 120.000 đồng/tháng đên 1.050.000 đồng/tháng) chứ không thuộc thang bảng lương do Nhà nước quy định.

Cho đến từ 01/2013 đến tháng 8/2017 (4 năm 8 tháng, tổng cộng 56 tháng) sau được tuyển dụng biên chế, cô Lan mới được đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định theo hệ số lương từ 3,06-3,46 (tương đương 3.060.000-3.460.000 đồng/tháng).

Quyết định hưởng lương hưu của cô Trương Thị Lan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính vì thời gian cô Lan đóng bảo hiểm xã hội trên nền tiền lương thấp kéo dài tới 17 năm nên mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tính trong suốt quá trình hơn 22 năm rất thấp.

Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, căn cứ quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành và hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội thực tế của cô Lan thì Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với bà Trương Thị Lan là đúng quy định.

Còn hơn 3.200 người hưởng lương hưu thấp

Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, trường hợp của cô Lan không phải là cá biệt mà là tình hình chung của nhiều địa phương. Nguyên nhân là do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, thường chỉ đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%.

“Mức đóng bảo hiểm xã hội chủ yếu chỉ tính trên mức cơ sở (hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng) nên lương hưu thấp chỉ khoảng 60% của lương cơ sở,” bà Đinh Thị Thu Hiền nói.

Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ giáo viên mầm non công tác trước năm 1995 có lương hưu 1.300.000 đồng/tháng. Cả nước còn có hơn 3.200 người đang nhận lương hưu bằng và thấp hơn mức 1.300.000 đồng/tháng. Những người lao động này cũng chủ yếu có thời gian dài đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nên khi nhận lương hưu cũng chỉ dưới mức lương cơ sở.

Bà Định Thị Thu Hiền cho biết, hơn 3.200 người hưởng lương hưu ở mức bằng và thấp hơn lương cơ sở 1.300.000 đồng gồm cán bộ xã không chuyên trách; người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ; giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở và một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Bà Đinh Thị Thu Hiền nhấn mạnh, Quỹ Bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng đã được quy định trong luật, vì vậy chỉ với mức đóng bảo hiểm xã hội cao (không chỉ đóng theo lương cơ sở, lương tối thiểu) thì người lao động nghỉ hưu mới được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục