Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia nhận định mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể từ tháng 7-12/2019, có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng Bảy đến tháng Tám, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ.
[Từ ngày 17-21/6, nắng nóng xuất hiện trở lại khu vực Bắc Bộ]
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 7-10/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 11-12 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0 -1,5 độ.
Từ nay đến tháng Tám còn xảy ra nắng nóng và có khả năng tập trung nhiều hơn vào nửa cuối tháng Sáu, tháng Bảy tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; trong đó khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ từ tháng Bảy, tháng Tám phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%; riêng tháng Chín thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 10-25%, từ tháng 10 đến tháng 12 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại khu vực Trung Bộ tổng lượng mưa trong tháng Bảy, tháng Chín phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-25%; từ tháng 10-11 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%; tháng 12 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa trong tháng Bảy, tháng Tám và tháng 12 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng Chín cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, riêng tháng 10, tháng 11 thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-25%.
Từ tháng Bảy đến tháng Mười, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 2-báo động 3, riêng các sông suối nhỏ trên báo động 3.
Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1-2m, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.
Từ tháng Bảy đến tháng 12, nguồn nước khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10-30%.
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong nửa cuối tháng Sáu đến tháng Bảy, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ, các sông ở Nghệ An-Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động; mực nước trên các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm.
Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-50%; các sông ở Nghệ An, Bình Định đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65-90%; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trong các tháng Tám, tháng Chín, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần, khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ vừa và nhỏ; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.
Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-35%; sông Cái Nha Trang thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50-85%; riêng các sông ở từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-15%.
Mùa khô 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng Tám, tháng Chín; nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước xảy ra cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh ở Trung, Nam Trung Bộ. Trên một số sông thuộc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Mùa lũ năm 2019 trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phù hợp quy luật hàng năm, đỉnh lũ năm 2019 trên các sông có khả năng như sau: Các sông ở Thanh Hóa ở mức báo động 1-báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các sông từ Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2-báo động 3, tương đương trung bình nhiều năm; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông vẫn có khả năng xuất hiện lũ lớn.
Khu vực Nam Bộ, từ tháng Sáu đến tháng Bảy, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.
Trong mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1-báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.
Nguy cơ xuất hiện nước dâng do bão chủ yếu tập trung tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng Tám đến tháng 11.
Trong các tháng mùa Hè, sóng lớn chủ yếu xuất hiện trên khu vực ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa và Nam Biển Biển Đông do hoạt động của gió mùa Tây Nam.
Trong các tháng 10 đến tháng 12, các đợt không khí lạnh mạnh, kéo dài có khả năng gây sóng lớn 2-3m cho dải ven biển từ Bắc Bộ tới Đông Nam Bộ, khu vực ngoài khơi độ cao sóng có thể lên tới 4m.
Ven biển Trung Bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 11-14/10, 9-13/11 và 13-16/12.
Tại ven biển Nam Bộ, nhiều đợt triều cường cao với mực nước tại trạm Vũng Tầu vượt 4,0m xuất hiện vào các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các ngày giữa và cuối của tháng 11 và 12./.