Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp hiện đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Nhiều người trẻ tuổi hiện nay dường như không coi việc kết hôn hay sinh con là mục tiêu quan trọng trong cuộc đời.
Thực trạng này đặt ra mối lo ngại về kinh tế và xã hội trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.
Những con số đáng báo động
Ở nhiều nước, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển và mới nổi, tỷ lệ sinh đang giảm rõ rệt.
Theo dự báo, tại Trung Quốc, dân số có thể giảm một nửa vào năm 2100. Đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ thuộc lớp người được gọi là “thế hệ cũ.”
Năm 2023 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai.
Vào cuối năm 2023, dân số Trung Quốc là 1.409.670.000 người, giảm 2,08 triệu người so với năm 2022.
Trong năm 2023, Trung Quốc có 9,02 triệu ca sinh, đạt tỷ lệ sinh là 6,39‰, giảm so với 9,56 triệu ca sinh trong năm 2022. Tổng số ca sinh trong năm 2023 cũng đã giảm trong năm thứ 7, chỉ tương đương 50% tổng ca sinh trong năm 2016.
Tổng tỷ suất sinh của Singapore trong năm 2023 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 còn 0,97 con/phụ nữ, tiếp tục đà giảm so với mức thấp kỷ lục trước đó là 1,04 vào năm 2022 và 1,12 vào năm 2021.
Trong năm 2023, Singapore ghi nhận 26.500 trường hợp kết hôn và 30.500 ca sinh.
Trong 5 năm qua, số người Singapore kết hôn và sinh con trung bình hằng năm thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh trong 3 tháng cuối năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất theo quý, chỉ 0,65 con/phụ nữ, giảm 0,05 so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ sinh trong cả năm 2023 cũng giảm xuống còn 0,72 - thấp hơn mức 0,78 trong năm 2022 - và thấp hơn rất nhiều con số 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định mà không cần nhập cư.
Số trẻ sinh ra trong năm 2023 ở mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm 7,7 % so với năm 2022 và giảm hơn 40% so với năm 2017.
Riêng quý 4/2023, số trẻ sinh ra đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức thấp nhất được ghi nhận trong cùng kỳ các năm.
Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành quốc gia dân số già hóa ở mức cao vào năm 2072, với độ tuổi trung bình 63,4. Dân số cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 36,22 triệu người từ mức 51 triệu người trong năm 2023.
Cùng chung xu hướng trên, số trẻ sơ sinh ở Nhật Bản đã giảm xuống dưới 1 triệu vào năm 2016 và lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 trong năm 2022.
Trước đó, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 2,09 triệu trẻ sơ sinh vào năm 1973.
Kết hôn muộn và lo lắng về tài chính thường được coi là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh giảm tại Nhật Bản. Chính phủ nước này coi giai đoạn trước những năm 2030 là “cơ hội cuối cùng” để đảo ngược xu hướng này.
Tại Pháp, số ca sinh nở vào năm 2022 là 723.000, thấp nhất kể từ năm 1946 đến nay. Dự báo, dân số ở Pháp sẽ vẫn tăng cho đến năm 2040, song cứ 3 người dân sẽ có 1 người trên 60 tuổi, so với tỷ lệ 1/4 hiện nay.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại Tây Ban Nha năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê năm 1941. Trong năm 2023, tại nước này chỉ có 322.075 trẻ được sinh ra, giảm 2% so với năm 2022 và giảm gần 25% trong 10 năm.
Với mức giảm này, Tây Ban Nha trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Malta. Năm 2023, số người tử vong tại Tây Ban Nha nhiều hơn 113.256 người so với số trẻ được sinh ra và đây là năm thứ 7 liên tiếp số người tử vong vượt số trẻ được sinh ra tại nước này.
Tình hình tại Canada cũng không mấy sáng sủa khi tổng tỷ suất sinh (TFR) của nước này vào năm 2022 chỉ đạt 1,33 trẻ em/phụ nữ, mức thấp nhất trong hơn 100 năm.
TFR là ước tính bình quân số con được sinh ra khỏe mạnh của một người phụ nữ trong cả cuộc đời.
Tỷ suất này tại Canada bắt đầu xu hướng giảm vào năm 2009, nhưng mức giảm càng lớn vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mức giảm càng rõ hơn vào năm 2022, sau khi TFR tăng nhẹ vào năm 2021.
Thách thức và giải pháp
Giới chuyên môn nhận định nguyên nhân tỷ lệ sinh giảm là do xu hướng kết hôn giảm, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Nhiều người trẻ đã lựa chọn trì hoãn, từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con do thay đổi lối sống hoặc quan niệm sống để phù hợp với những thay đổi của xã hội.
Chưa kể tới các vấn đề gây áp lực khác như giá nhà cao, chi phí nuôi dạy con, thị trường việc làm khó khăn, suy thoái kinh tế, mối lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống...
Những thách thức này đã khiến từ 13-33% thanh niên trên thế giới không muốn lập gia đình.
Liên hợp quốc dự báo với tỷ lệ sinh như hiện nay, từ năm 2050, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người qua đời. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh ảm đạm, việc cải thiện tỷ lệ sinh thấp của quốc gia hiện là mục tiêu ưu tiên trong chương trình nghị sự các nước. Chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều kế hoạch để hỗ trợ và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua việc tuyên truyền về sinh sản và thực hiện các hình thức trợ cấp.
Năm 2016, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình có một con - áp dụng từ những năm 1980.
Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ ba.
Giới chức Singapore đề xuất giúp giảm bớt áp lực tài chính lên các cặp vợ chồng cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi dạy trẻ. Singapore đang “nâng cao” năng lực chăm sóc trẻ sơ sinh và có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ, đồng thời sẽ hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025.
Ngân sách 2023 của chính phủ Singapore đã đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ cho các bậc cha mẹ và gia đình, chẳng hạn như tăng thời gian nghỉ thai sản được chính phủ chi trả lên 4 tuần.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang tìm kiếm những “phương pháp bền vững” khác như khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình.
Đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh, Nội các Nhật Bản hồi đầu năm đã nhất trí về dự luật mở rộng các biện pháp trợ cấp hằng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi.
Theo dự luật, quy định về mức thu nhập đối với các hộ gia đình được nhận trợ cấp sẽ được hủy bỏ. Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng trợ cấp cho bố, mẹ đơn thân có từ 3 con trở lên mà thu nhập thấp và bảo đảm những người nghỉ chăm sóc con cái có thể nhận được nhiều phúc lợi hơn.
Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng chi tiêu hằng năm cho việc chăm sóc trẻ em và nâng tỷ lệ này từ mức 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 16%...
Hàn Quốc cũng nỗ lực vực dậy tỷ lệ sinh trong nước khi chỉ đạo các cơ quan chính phủ nghiên cứu chính sách ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ tương tự dành cho các doanh nghiệp với kỳ vọng sẽ tiếp sức để các doanh nghiệp xây dựng chương trình khích lệ nhân viên sinh con.
Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đã phát động chiến dịch mang tên “Sinh con, Thế giới vĩ đại” nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và thúc đẩy tỷ lệ sinh trong nước vốn đang thấp đáng lo ngại.
Bộ này có kế hoạch thành lập 119 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước và các phòng khám có thể đưa ra lời khuyên và điều trị cho những người có vấn đề về sức khỏe sinh sản./.
Hàn Quốc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số
Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ ra rằng xã hội Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đa dạng, nhưng vấn đề căn bản và nghiêm trọng nhất chính là khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh siêu thấp.