Nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vừa công bố kết quả khảo sát về hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện Việt Nam năm 2024, trên cơ sở sử dụng phương pháp kiểm kê khí nhà kính theo hệ thống ISO 14064 và “xác định vết carbon” cho sản phẩm.
Theo đó, lượng phát thải năm 2024 ước tính ở ngưỡng 0,6811 tCO2/MWh. Hệ số phát thải này cao hơn khoảng 3,2% so với năm 2023, bởi trong năm qua, sản lượng điện than chiếm 49,48% tổng sản lượng điện đã tăng 17,7% so với năm 2023. Tỷ lệ này cho thấy phát thải khí nhà kính đang nghiêng về “nâu.”
Phát thải khí nhà kính theo hướng “xấu”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện quốc gia thực chất là khối lượng khí nhà kính được quy về CO2 tương đương (CO2e) do một đơn vị điện năng của hệ thống phát ra. Hệ số này phản ánh độ “xanh” của lưới điện.
Theo đó, lưới điện càng “xanh” nếu hệ số phát thải càng thấp.
Lượng phát thải của lưới điện Việt Nam được nhóm nghiên cứu cập nhật từng năm trong giai đoạn 2014-2023 theo thứ tự hệ số tCO2e/MWh, như sau: 0,6612; 0,8154; 0,9185; 0,8649; 0,9130; 0,8458; 0,8041; 0,7221; 0,6766; 0,6592.
Xu hướng phát thải trên cho thấy trước năm 2014, hệ thống nguồn điện chủ yếu là các nhà máy thủy điện nên hệ số phát thải khá thấp. Từ năm 2015-2018, hệ thống điện được phân bổ sang một loạt các nhà máy nhiệt điện than (như Quảng Ninh, Nhơn Trạch, Vũng Áng, Vĩnh Tân,...) nên hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện quốc gia tăng rất nhanh.

Gia tăng phát thải khí methane có thể thúc đẩy quá trình phục hồi tầng ozone?
Methane là một loại khí nhà kính mạnh, góp phần làm gia tăng nhiệt độ Trái Đất, nhưng mặt khác nó cũng tham gia việc giúp thúc đẩy quá trình phục hồi ozone ở tầng bình lưu.
Tiếp đó, từ năm 2019, khi có sự tham gia của các nguồn điện tái tạo như điện Mặt Trời, điện gió, hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam còn thuộc loại cao so với khu vực và thế giới, lý do bởi cho đến nay, sản lượng từ các nguồn nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn (năm 2024 chiếm 49,5%).
“Đặc biệt tỷ lệ điện than năm 2024 tăng 17,7% so với năm 2023, chứng tỏ việc giảm dần điện từ than không hề dễ dàng,” ông Hưng chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu trên cũng lưu ý nếu thống kê hệ số phát thải khí phát thải theo cả vòng đời của tất cả các loại hình phát điện hiện có trên thế giới, thì ngay các loại hình điện tái tạo cũng không hoàn toàn sạch. Nghĩa là xét trong cả vòng đời thì điện tái tạo vẫn phát thải khí nhà kính.
Ví dụ như điện Mặt Trời có mức phát thải thấp là 13tCO2e/GWh nhưng ở mức cao cũng có thể đạt 731tCO2e/GWh, tương đương với mức trung bình của nguồn điện phát từ dầu. Điều này phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng khi chế tạo pin và xử lý nó sau khi hết hạn sử dụng.

Hay thủy điện, theo nhóm nghiên cứu, nếu xét cả vòng đời thì mức phát thải cũng cao vì hồ thủy điện đã làm mất rừng (giảm nguồn hấp thụ khí nhà kính) và có thể tạo nguồn phát thải khí mêtan trong điều kiện kị khí.
Cần có KPI và đưa ra mức phát thải chính xác
Chia sẻ về con số “ước tính” ngưỡng phát thải khí nhà kính của lưới điện Việt Nam năm 2024 là 0,6811 tCO2/MWh, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng lý do là bởi nhóm không tính lượng phát thải của nguồn nhập khẩu vì chỉ chiếm 1,67% tổng sản lượng điện và EVN không cho biết xuất xứ của nguồn nhập khẩu.
Nhóm nghiên cứu về hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện cũng không tính lượng phát thải của “nguồn khác” (với con số 446.000 tCO2/MWh) vì chỉ chiếm 0,14% tổng sản lượng điện và EVN không cho biết “nguồn khác” là nguồn nào.
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu cho rằng hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2024 sẽ được cơ quan chức năng công bố (việc này, những năm trước do Cục Biến đối khí hậu công bố, mới đây đã chuyển sang Bộ Công Thương) không thể thấp hơn giá trị dự tính trên của nhóm nghiên cứu vì trên thực tế hệ số phát thải của các loại hình phát điện của Việt Nam đều ở mức phát thải khí nhà kính cao.
Lý do được nhóm nghiên cứu đưa ra là bởi nhiều nhà máy nhiệt điện than thuộc thế hệ cũ, hiệu suất thấp; các nhà máy thủy điện không được vận hành tối ưu vì nguồn nước không thật ổn định; các nguồn điện năng lượng tái tạo là điện Mặt Trời và điện gió có hiệu suất thấp do quá tải của lưới điện nên phải xả bỏ nhiều.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất lộ trình công bố hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện quốc gia cần được công bố vào quý 1 của năm tiếp theo để các đơn vị, doanh nghiệp có thể được sử dụng dữ liệu gần nhất để tăng độ tin cậy khi định lượng phát thải khí nhà kính. Hệ số này không những đánh giá “độ xanh, sạch” của lưới điện, mà còn cung cấp dữ liệu cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 về “Danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật).
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý việc tính toán hệ số phát thải của lưới điện quốc gia là không quá khó khăn. Vì vậy cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho tất cả các nhà máy phát điện để họ có thể tự tính toán được “vết” carbon cho mỗi kWh điện năng của nhà máy mình và báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng.
Đặc biệt, cơ quan quản lý chuyên ngành cần có KPI - định mức cụ thể đối với từng đơn vị, nhà máy điện, để theo dõi, đo lường và đánh giá tình hình giảm phát thải khí nhà kính, nhằm đảm bảo sự hiệu quả và đạt được các mục tiêu phát thải “xanh.”

Bên cạnh đó, theo đại diện nhóm nghiên cứu, việc công bố số liệu cũng cần phải được cập nhật sớm, thường xuyên và đảm bảo tính chính xác.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu hy vọng theo tinh thần của Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu giảm dần, tiến tới chấm dứt sử dụng các nguồn điện hóa thạch và hướng tới hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, hệ số phát thải khí nhà kính của lưới điện Việt Nam sẽ giảm dần. Nghĩa là điện sẽ ngày càng “xanh và sạch” hơn./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu