Lũng đoạn đấu giá – chưa có hồi kết nếu thiếu chế tài mạnh

Chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá thầu lên cao chót vót trong các phiên đấu giá để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Trong Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các bộ có liên quan, lãnh đạo các địa phương rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Bỏ cọc - câu chuyện không mới

Trong hai ngày 5-6/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát với tổng số tiền thu được (theo lý thuyết) là gần 1.700 tỷ đồng.

Trong số đó, mỏ Châu Sơn có trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,8 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 396 tỷ đồng, cao gấp 141 lần.

Mỏ Liên Mạc có trữ lượng gần 500.000m3 cát, tiền đặt cọc hơn 300 triệu đồng, giá khởi điểm 2 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là 408 tỷ đồng, cao gấp 204 lần.

Mỏ Tây Đằng-Minh Châu có trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, tiền cọc 2,8 tỷ đồng, giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 880 tỷ đồng, gấp 46 lần.

Việc các doanh nghiệp đẩy số tiền “chốt hạ” lên rất cao để nắm quyền khai thác mỏ cát đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Trong đó nhiều vụ có kết cục xấu, hoàn toàn không mang lại lợi ích lớn cho ngân sách nhà nước như lẽ ra phải thế.

Năm 2021, tại tỉnh An Giang một doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát sông Tiền với giá “khủng” là 2.811 tỷ đồng.

Không ngoài dự đoán của dư luận, doanh nghiệp này sau đó đã “chạy làng” và kết quả đấu thầu buộc phải bị hủy bỏ.

Trong các năm 2022 và 2023 tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra các cuộc đấu giá 12 mỏ cát. Một số doanh nghiệp đẩy giá lên hàng chục lần để giành chiến thắng nhưng lại dễ dàng bỏ cọc, hủy hợp đồng.

Không chỉ việc đấu giá mỏ vật liệu xây dựng bị lũng loạn mà các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá biển số ôtô “siêu đẹp” cũng bị lợi dụng để trục lợi, để làm hình ảnh cho doanh nghiệp, cá nhân, khiến cho thị trường bị méo mó.

1311_bien so.JPG
Ảnh minh họa.

Trong năm 2022, sau các vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) có 4 doanh nghiệp trúng thầu đã tháo chạy, bỏ lại hơn 1.000 tỷ đồng tiền cọc.

Cụ thể, Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 có diện tích hơn 10.000m2 với giá 24.500 tỷ đồng, Công ty Bình Minh trúng đấu giá lô đất số 3-9 có diện tích hơn 5.000m2 với giá hơn 5.000 tỷ đồng, Công ty Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 có diện tích 8.500m2 với giá 4.000 tỷ đồng và Công ty Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 có diện tích gần 6.500m2 với giá hơn 3.800 tỷ đồng.

Đã qua mốc 180 ngày nhưng cả 4 doanh nghiệp nói trên đều không nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Mới đây, ngày 15/9, có 11 biển số ôtô gồm: 19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A- 799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89 đã được đưa ra đấu giá và đã xác định được chủ nhân.

Tuy nhiên, đến ngày 3/10 là hết thời hạn nộp tiền trúng đấu giá thì có tới 6 người “chạy làng.”

Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) buộc phải ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số xe vừa trở thành “vô chủ.”

Trở lại với 3 vụ đấu thầu khai thác mỏ cát ở Hà Nôi, hiện tại, các doanh nghiệp trúng đấu giá đang trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Chưa thể kết luận chắc chắn rằng các doanh nghiệp nói trên sẽ “bỏ của chạy lấy người,” tuy rằng khả năng này là rất cao.

Theo các chuyên gia tài chính, sẽ diễn ra các kịch bản sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn quyết tâm thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này có nghĩa “giá chốt” hợp lý, sát thực tế và doanh nghiệp vẫn có lãi khi khai thác các mỏ cát.

Điều này cũng có nghĩa là việc khảo sát, đánh giá trữ lượng hoàn toàn không chính xác, giá khởi điểm được đưa ra quá thấp và hội đồng đấu giá vô tình hay cố ý tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu lợi không chính đáng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, các doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình theo luật định.

Điều này có nghĩa các cuộc đấu giá mỏ cát bị lũng đoạn vì mục đích trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, có thể có việc cài cắm “quân xanh, quân đỏ” bị vỡ trận dẫn đến “giá chốt” bị đẩy cao bất thường.

Dù kết cục của các vụ đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội sẽ rơi vào phương án nào thì việc rà soát, chấn chỉnh các vụ đấu giá mỏ vật liệu xây dựng và cả đấu giá bất động sản, đấu giá tài sản không chỉ ở Thủ đô, cũng là điều cần thiết nhằm “tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Cần chế tài đủ sức răn đe

Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu các tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau trúng đấu giá cũng không được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó.

ttxvn_1311_dau gia dat.jpg
Một ô đất đấu giá. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Trên thực tế, chế tài này chưa đủ mạnh nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá lên cao chót vót trong các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ, đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá Tài sản.

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết một số người tham gia đấu giá nhưng với mục đích không hẳn là để mua được tài sản mà nhằm thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế, phá hoại cuộc đấu giá... Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được thực hiện chặt chẽ.

Theo Đại biểu Dương Ngọc Hải, cần phải tăng tiền đặt cọc lên 10% tổng giá trị tài sản được đấu giá để ngăn chặn việc người trúng đấu giá sẵn sàng mất cọc.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh thì nên quy định rõ biên độ chênh lệch số tiền đặt cọc ở mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị của tài sản.

Các doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành Luật Đấu giá Tài sản, không vì mục đích mua được tài sản thì ngoài việc mất tiền cọc còn phải chịu thêm việc phạt hành chính.

Từ tháng 7/2022, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra hàng loạt đề xuất để khắc phục tình trạng bỏ cọc của người trúng đấu giá đất. Theo đó, tiền cọc cam kết thực hiện hợp đồng không phải là khoản đặt trước để tham gia đấu giá (Luật Đấu giá Tài sản quy định rằng người tham gia phải nộp tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm).

Luật Đấu giá Tài sản quy định đấu giá viên có quyền dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự; hoặc dừng đấu giá do yêu cầu của người có tài sản khi có căn cứ cho rằng có hành vi thông đồng làm sai lệch thông tin tài sản, dìm giá...

Tuy nhiên, cần đưa quy định này vào cuộc sống vì trên thực tế rất hiếm khi xảy ra việc dừng đấu giá giữa chừng.

Hiện tại, thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền là 180 ngày (trong trường hợp đấu giá đất ở ở Thủ Thiêm).

Mốc thời gian dài như vậy là kẽ hở để các doanh nghiệp thực hiện ý đồ thổi giá bất động sản nhằm tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong ngân hàng, bán hàng tồn đọng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu quan điểm: Phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với người tự ý bỏ cọc đấu giá đất. Doanh nghiệp bỏ cọc sẽ phải xử lý thật nghiêm khắc để lần sau không thể tham gia đấu giá, như vậy mới đủ sức răn đe.

Theo ông Trần Hồng Hà, những người trúng đấu giá đất phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để họ không đủ thời gian thực hiện các hành vi trục lợi; tiền cọc cũng phải tăng cao hơn mức 5-10% giá trị tài sản như hiện nay (có thể ở mức 20%); các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá phải được cơ quan có trách nhiệm thẩm định năng lực tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất: Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất thực hiện dự án phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án quy mô dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án từ 20ha; phải có kinh nghiệm thực hiện dự án có sử dụng đất và phải có tài sản thế chấp.

Một số chuyên gia đề xuất ý kiến rằng để ngăn chặn việc bỏ cọc trong đấu giá bất động sản, nếu người trúng đấu giá từ chối nghĩa vụ tài chính mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt ở mức 50% giá trị quyền sử dụng đất.

Người bỏ cọc đồng thời phải trả các chi phí liên quan đến cuộc đấu giá và trong vòng 5 năm không được tham gia các cuộc đấu giá tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục