Bài 3: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Giải quyết theo luật tố tụng dân sự

Lùm xùm chuyện bản quyền chương trình Model Kid Việt Nam

Sau những tranh chấp về bản quyền không đi đến hồi kết giữa ông Hoàng Thảo và công ty Multimedia JSC về chương trình Model Kid Việt Nam, Cục Bản quyền khẳng định chỉ tòa án mới đủ thẩm quyền xử lý.
Giọt nước mắt thua thử thách của đội Quang Đại ở chương trình truyền hình thực tế Model Kid VietNam do Công ty Multimedia JSC sản xuất.

Bài 3: Vụ ‘Model Kid Việt Nam’: Giải quyết theo luật tố tụng dân sự

Liên quan tới vụ tranh chấp quyền tác giả chương trình Model Kid Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – nơi cấp chứng nhận cho Hoàng Thảo và Công ty Multimedia JSC nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan.

Ngày 29/4, Cục Bản quyền tác giả đã chính thức có văn bản trả lời.

Trách nhiệm của Cục Bản quyền đến đâu?

Nhà chức trách cho hay ngày 22/10/2019, ông Nguyễn Hoàng Thảo có đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với Lê Thị Quỳnh Trang, Công ty Cổ phần truyền thông Đa phương tiện.

Tới ngày 23/10/2019, Công ty cổ phần Phanlaw Vietnam, là bên đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần truyền thông Đa phương tiện, nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm viết “Kịch bản chương trình truyền hình thực tế Model Kid Vietnam.

Với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, ngày 8/11/2019, Cục Bản quyền tác giả đã có Công văn số 393/BQTG-ĐK thông báo với bên nộp hồ sơ về việc tạm dừng thụ lý hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm viết “Kịch bản chương trình truyền hình thực tế Model Kid Vietnam.”

Về vấn đề này, Luật sư sở hữu trí tuệ Trần Tám (Giám đốc Công ty IPCOM) cho biết: “Cục Bản quyền tác giả nói họ không có thẩm quyền, chức năng giải quyết tranh chấp dân sự là đúng luật.”

Công ty Multimedia JSC đăng ký thương hiệu cho chương trình của mình. 

Nữ luật sư cũng khẳng định việc Cục Bản quyền tác giả cấp hay không cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho một tác phẩm không có ý nghĩa trong việc tác phẩm đó có được bảo hộ hay không. Bởi ngay khi tác phẩm hoàn thiện và có tính nguyên gốc là đã được bảo hộ chứ không phụ thuộc vào việc đăng ký bản quyền.

“Việc Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả không làm phát sinh quyền đối với một tác phẩm. Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả sẽ có ý nghĩa khi xảy ra tranh chấp về bản quyền. Lúc đó, nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về bên không nắm giữ giấy chứng nhận,” luật sư Trần Tám nói.

Phải đưa nhau ra tòa

Trước đó, năm 2018, ông Hoàng Thảo đã tổ chức một cuộc thi người mẫu nhí có phần thi tài năng, catwalk, ứng xử…

Năm 2019, chương trình Model Kid Vietnam mà phía Công ty Cổ phần truyền thông Đa phương tiện (Công ty Multimedia JSC) thực hiện là chương trình truyền hình thực tế.

Vậy việc ông Hoàng Thảo nêu sự việc Công ty Multimedia JSC “ăn cắp” bản quyền chương trình Model Kid Vietnam có đúng với quy định hiện hành hay không?

Về vấn đề này, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả.

Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội thông báo đã nhận được đơn khởi kiện của ông Hoàng Thảo. 

Tờ khai đăng ký quyền tác giả do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; thời gian hoàn thành tác phẩm; thời gian, địa điểm và hình thức công bố (nếu tác phẩm đã công bố); cam kết về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Phía Cục Bản quyền tác giả cũng xác nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật Gia Nghiêm, là bên đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Hoàng Thảo, nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm viết Kịch bản chương trình “Người mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid.”

Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 4015/2019/QTG ngày 11/7/2019 đối với tác phẩm viết Kịch bản chương trình “Người mẫu nhí Việt Nam-Vietnam Model Kid.”

Trong khi đó, Công ty Cổ phần truyền thông Đa phương tiện nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Hình thức thể hiện logo Model Kid Việt Nam.” Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 4075/2019/QTG ngày 11/7/2019 đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Hình thức thể hiện logo Model Kid Việt Nam.”

Về hướng giải quyết vụ việc theo trình tự pháp luật, phía Cục Bản quyền tác giả cho hay Điểm d Khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ và Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan quy định: “Tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.”

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hoàng Thảo cho hay vào ngày 3/9/2019 phía ông này đã có đơn khởi kiện đối với Công ty Multimedia JSC lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Tới 24/2/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 29/TB-TA chuyển đơn khởi kiện này tới gửi Tòa án nhân dân quận Đống Đa giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Bài 1: 'Model Kid Việt Nam' bị tố ăn cắp bản quyền

 Bài 2: Vụ 'Model Kid Việt Nam': Cần xác định rõ đối tượng tranh chấp

Báo Điện tử VietnamPlus tiếp tục cập nhật vụ việc./.

Căn cứ phát sinh quyền tác giả:

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Tác phẩm được bảo hộ phải thuộc các loại hình tác phẩm quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, do tác giả trực tiếp sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của người khác.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục