Lùi thời gian chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng sang quý 4/2023

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất sẽ lùi thời gian họp bàn về phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 dự kiến vào tháng 11/2024.
Lùi thời gian chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng sang quý 4/2023 ảnh 1Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa thống nhất được phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay 9/8 tại Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức họp thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức từ 5-6% nhưng Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng.

Chưa đề xuất thời gian, mức tăng tiền lương

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề nghị đại diện các bên liên quan tiếp tục tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội để đến kỳ họp vào quý 4/2023 sẽ xem xét đề xuất mức tăng cụ thể lương tối thiểu vùng cho phù hợp với thực tế.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất sẽ họp bàn và đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào quý 4/2023, dự kiến vào tháng 11/2024.

[Thu nhập chưa đủ chi tiêu, kế hoạch tăng lương 'tiến thoái lưỡng nan']

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết quan điểm chung đều đánh giá tình hình hiện nay, cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay nhiều thông tin đang cần phải xem xét. Hiện cả hệ thống chính trị đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Chính vì vậy, các thành viên đều đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

“Tuy nhiên mức tăng như thế nào, thời điểm tăng (từ 1/4 hay từ 1/7) thì phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2023,” ông Quảng cho hay.

Lùi thời gian chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng sang quý 4/2023 ảnh 2Các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Quảng, ban đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt đề xuất mức tăng lương năm 2024 là từ 5-6%, cơ bản nhiều thành viên cũng đồng thuận, thậm chí có ý kiến đề xuất tăng cao hơn. Tuy nhiên sau khi nghe ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, giới sử dụng lao động, các chuyên gia độc lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hội ý và thống nhất sẽ chưa quyết đề xuất mức tăng lương, thời điểm tăng lương năm 2024 tại phiên họp này mà lùi đến phiên họp thứ hai.

"Chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống," ông Quảng chia sẻ.

Doanh nghiệp 'gồng mình' duy trì việc làm

Tại phiên họp hôm nay, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động... trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân lao động, thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh liên tục gặp khó khăn kéo dài do đơn hàng sụt giảm dẫn tới thu hẹp quy mô sản xuất, doanh thu giảm… Khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy có hơn 500.000 người bị ảnh hưởng việc làm, trong đó gần 300.000 người thôi việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng mới lao động. Do đó, năm 2024 chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Vấn đề là tăng lương vào thời gian nào, mức tăng ra sao thì cần thêm thời gian để đánh giá các yếu tố.

Lùi thời gian chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng sang quý 4/2023 ảnh 3Người lao động mong chờ điều chỉnh tiền lương để đủ bù trượt giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên lề phiên họp, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ chưa bao giờ ngành da giày, túi xách chịu nhiều sức ép về đơn hàng như lúc này. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân chỉ mong được làm việc 4-5 ngày /tuần. Vì thế, khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần xem xét đến động thái kinh tế, đặc biệt là đơn hàng của năm 2024.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Hoàng Quang Phòng cho biết doanh nghiệp coi người lao động là tài sản vô giá. Hiện nay, doanh nghiệp chồng chất khó khăn nhưng vẫn "gồng mình" duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Phòng đồng ý điều chỉnh lương tối thiểu vùng tuy nhiên việc xem xét tăng cần  được quyết định, đánh giá căn cứ vào các thông tin đầy đủ hơn nên chưa đề xuất phương án tăng trong phiên họp lần này.

Theo thông lệ từ hơn 10 năm qua từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên từ năm 2020 đến giữa 2022, việc điều chỉnh này tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng. Với lịch họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm nay vào tháng 11/2023 tới thì tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ không thể điều chỉnh ngay từ 1/1/2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục