Với nòng cốt là lực lượng phòng không-không quân, trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B-52. Riêng Quân chủng Phòng không-Không quân đã bắn rơi 54 chiếc với 32 máy bay B-52, chiếm 94% tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi trong toàn chiến dịch.
Lực lượng nòng cốt của chiến thắng
Quân chủng Phòng không-Không quân được thành lập ngày 22/10/1963 trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.
Gần một năm sau ngày thành lập, cùng với các lực lượng vũ trang, Quân chủng Phòng không-Không quân đã bước vào chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.
Từ ngày 7/2/1965, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh quy mô lớn đánh phá ra miền Bắc. Các lực lượng của Quân chủng đã lần lượt vào trận và nhanh chóng phát triển về mọi mặt.
Lực lượng không quân tiêm kích non trẻ Việt Nam đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mở mặt trận trên không thắng lợi," ra quân đánh thắng trận đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong 2 ngày 3 và 4/4/1965.
Phát huy chiến công của những trận đầu ra quân, Quân chủng Phòng không-Không quân cùng các lực lượng phòng không ba thứ quân càng đánh, càng mạnh và nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt; nghệ thuật tác chiến của quân chủng đã từng bước phát triển từ đánh độc lập, nhỏ lẻ, phát triển lên đánh hiệp đồng tập trung quy mô nhỏ.
Vào giữa năm 1965, lần đầu tiên giặc Mỹ cho B-52 ném bom hủy diệt một căn cứ hậu cần của ta ở Bến Cát rồi đánh rộng ra khắp miền Nam. 10 tháng sau, tháng 4/1966, B-52 Mỹ leo thang ra miền Bắc.
Trước tình hình đó, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân: “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc, phải tìm ra cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú."
Quán triệt sâu sắc chỉ thị của Người, tháng 4/1966, theo lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 238 vào chiến đấu ở chiến trường Khu 4, trên đất lửa Vĩnh Linh để thực hiện nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng là nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, ngày 17/9/1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84-Trung đoàn 238 đã bắn rơi một chiếc B-52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “siêu pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ.
Từ chiến công ban đầu đó, tháng 2/1968 đến giữa năm 1972, Quân chủng Phòng không-Không quân tiếp tục điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MiG-21 vào Khu 4 để chi viện cho Chiến dịch Trị-Thiên và tiếp tục nghiên cứu cách đánh B-52.
[Chuyện chưa kể về 12 ngày đêm của bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay B-52]
Đến tháng 9/1972, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chính thức xây dựng xong phương án đánh máy bay B-52, phổ biến trong bộ đội phòng không cuốn “cẩm nang đỏ” - cuốn sách “Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa."
Trên cơ sở tài liệu này, Quân chủng đã tổ chức hội nghị cán bộ để thảo luận phổ biến cách đánh B-52. Đầu tháng 10/1972, Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân đã ra nghị quyết tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sỹ quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ kể cả B-52.
Cùng với việc xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội, Đảng ủy Quân chủng và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài, nhanh chóng làm chủ, khai thác sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, vũ khí, khí tài trong chiến đấu, đồng thời đúc rút kinh nghiệm, sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả, tiêu diệt máy bay B-52.
Trong cuộc tập kích đường không tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là máy bay B-52. Với hệ thống gây nhiễu tích cực và tiêu cực, chúng tin rằng sẽ làm mờ mắt rađa của ta, cùng với hệ thống máy bay chiến thuật yểm trợ, Mỹ cho rằng B-52 là bất khả chiến bại.
Không ngờ rằng từ kinh nghiệm trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, cán bộ chiến sỹ Quân chủng Phòng không-Không quân đã sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả. Chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu, với lực lượng phòng không-không quân làm nòng cốt, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B-52. Riêng Quân chủng Phòng không-Không quân đã bắn rơi 54 chiếc, có 32 máy bay B-52, chiếm 94% tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi trong toàn chiến dịch.
Nhờ vậy, quân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 (“siêu pháo đài bay," "uy thế không lực”) của đế quốc Mỹ, làm nên một chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, buộc chính quyền Mỹ phải ký hiệp định Paris (ngày 27/1/1973), đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Trải qua 59 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ phòng không-không quân Việt Nam luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; sẵn sàng hy sinh quên mình, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cống hiến tài năng, trí tuệ vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, xây dựng nên truyền thống: “Trung thành vô hạn-Tiến công kiên quyết-Đoàn kết hiệp đồng-Lập công tập thể."
Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Không quân nhân dân Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (ngày 3/6/1976).
Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại."
Quân chủng triển khai toàn diện các giải pháp, tập trung vào các yếu tố: con người, tổ chức biên chế và vũ khí, trang bị; nhằm tạo chuyển biến mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng.
Để thực hiện tốt các nội dung yêu cầu này, cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, chiến sỹ luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, quán triệt và chấp hành nghiêm túc cương lĩnh, đường lối của Đảng; xây dựng ý chí quyết tâm cao, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Quân chủng xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh," không ngừng nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân chủng Phòng không-Không quân. Đây là vấn đề cốt lõi, mang tính xuyên suốt quá trình xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Quân chủng ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ đặc biệt và đơn vị tiến thẳng lên hiện đại; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy huấn luyện thực hành là chính, nhất là thực hành bay, bảo đảm an toàn bay. Đặc biệt, Quân chủng chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật có trong biên chế, vũ khí, trang bị hiện đại, mới được biên chế, bảo đảm sát thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến.
Cùng với đó là thực hiện tốt công tác kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Quân chủng Phòng không-Không quân đang trong quá trình hiện đại hóa, được trang bị ngày càng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đặt ra yêu cầu cao, thách thức lớn đối với công tác kỹ thuật, hậu cần.
Quân chủng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào việc quản lý, khai thác cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; có kế hoạch đầu tư chế tạo, sản xuất và mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không-không quân, góp phần phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, làm cơ sở xây dựng lực lượng phòng không-không quân hiện đại.../.