Theo Reuters, lực lượng nổi dậy người Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong một tháng, bắt đầu vào ngày 10/9, nhằm cho phép các nhóm viện trợ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền Tây Bắc nước này.
Gần 300.000 người Rohingya đã chạy nạn đến Bangladesh và 30.000 người không theo đạo Hồi đã rời bỏ quê hương tại Myanmar sau khi quân đội nước này mở một cuộc phản công tiếp sau các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy "Đội quân cứu thế Arakan Rohingya" (ARSA) nhằm vào 30 đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự vào ngày 25/8.
Trong một tuyên bố, ARSA nêu rõ: "ARSA khuyến khích mạnh mẽ tất cả các nhóm nhân đạo liên quan nối lại việc hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo này trong thời gian ngừng bắn, cho dù họ thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào."
[Gần 300.000 người Myanmar sang Bangladesh lánh nạn chỉ trong 2 tuần]
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.
Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới.
Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.