Ngày 24/12, thủ lĩnh phe đối lập ở Bangladesh là cựu Thủ tướng Khaleda Zia đã kêu gọi người dân tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn về thủ đô Dhaka vào ngày 29/12 trong một động thái leo thang biểu tình nhằm tẩy chay cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 1/2014.
Đồng thời, bà Zia còn yêu cầu người dân thành lập các "ủy ban biểu tình" tại mỗi ngôi làng để ngăn chặn việc bỏ phiếu.
Bạo lực đã lan rộng tại thủ đô Dhaka sau bài phát biểu của bà Zia, khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 cảnh sát khác bị thương khi những kẻ tấn công ném bom xăng vào một xe cảnh sát.
Chính quyền Bangladesh khẳng định kiên quyết tiến hành cuộc bầu cử vào ngày 5/1/2014, bất chấp sự tẩy chay của các đảng đối lập cũng như tuyên bố không gửi quan sát viên đến của một số quốc gia nước ngoài.
Trước đó, ngày 23/12, sau Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thịnh vượng chung, đến lượt Mỹ từ chối gửi quan sát viên đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Bangladesh.
Theo đó, cả Mỹ lẫn EU đều nghi ngờ cuộc bầu cử này bởi hơn nửa số ghế tại quốc hội đã được xác định khi những ứng cử viên đó không có đối thủ cạnh tranh.
Điều này đồng nghĩa về kỹ thuật, có thể thành lập chính phủ trước cả khi tiến hành bầu cử, khi đảng Liên minh nhân dân (AL) cầm quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina cùng các đảng đồng mình đã chắc chắn thắng 154/300 ghế trong quốc hội.
Liên minh đối lập gồm 18 đảng do đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) đứng đầu, coi chiến thắng không cần tranh cử này là "bê bối lớn nhất" trong lịch sử bầu cử nước này.
Phe đối lập muốn Thủ tướng Hasina từ chức và mở đường cho một chính phủ lâm thời không đảng phái đứng ra giảm sát bầu cử. Tuy nhiên, bà Hasina đã bác bỏ yêu cầu này vì cho rằng nó trái với hiến pháp.
Từ đầu năm nay, bạo lực đã bùng phát trên khắp Bangladesh giữa cảnh sát và những người ủng hộ phe đối lập khiến ít nhất 265 người thiệt mạng. Gần một nửa số thương vong này xảy ra trong hai tháng gần đây./.