Lực lượng đảo chính tại Mali thông báo các bước đi tiếp theo

Nhóm binh sỹ đảo chính tuyên bố sẽ thành lập một hội đồng chuyển tiếp trong thời gian sớm nhất, với một tổng thống chuyển tiếp thuộc quân đội hoặc dân sự.
Binh sỹ Mali tại thủ đô Bamako sau vụ binh biến. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/8, nhóm binh lính đảo chính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) thông báo một "tổng thống chuyển tiếp" sẽ được lựa chọn bổ nhiệm từ hàng ngũ quân đội hoặc dân sự.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia láng giềng Tây Phi thông báo sẽ cử phái viên tới hỗ trợ Mali ổn định tình hình, đồng thời kêu gọi phục chức cho Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita.

Trả lời phỏng vấn kênh France 24, người phát ngôn CNSP Ismael Wague nói: "Chúng tôi sẽ thành lập một hội đồng chuyển tiếp, với một tổng thống chuyển tiếp thuộc quân đội hoặc dân sự. Chúng tôi đang liên hệ với các nhóm xã hội dân sự, các đảng đối lập, lực lượng chiếm đa số, tất cả mọi người, để tìm cách sắp xếp một lộ trình chuyển tiếp. Tiến trình này sẽ diễn ra nhanh nhất có thể."

Trong khi đó, lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã bắt đầu thảo luận về tình hình khủng hoảng tại Mali sau cuộc binh biến vấp phải sự phản đối mạnh của dư luận khu vực và thế giới.

Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Mali có liên quan đến an ninh của khu vực. Ông Issoufou lưu ý cuộc đảo chính gần đây của Mali vào năm 2012 đã khiến các tổ chức tội phạm và khủng bố kiểm soát 2/3 lãnh thổ nước này chỉ trong vài tuần. 

Trước đó, ECOWAS đã lên án cuộc binh biến ở Mali và tuyên bố sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có trừng phạt tài chính.

ECOWAS cũng yêu cầu các bên liên quan ở Mali ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời hối thúc các binh sỹ lập tức quay trở lại doanh trại. ECOWAS khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự Hiến pháp ở Mali.

Ngày 18/8 vừa qua, các binh sỹ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.

Chỉ vài giờ sau khi bị bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Trong khi đó, nhóm CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục