Lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam - "bức tường sắt” của Tổ quốc

Trải qua chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành đầy gian lao thử thách, cùng với quân dân cả nước, lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang.
Lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam - "bức tường sắt” của Tổ quốc ảnh 1(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935-28/3/2015), sáng 24/3, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Dân quân tự vệ Việt Nam - Lực lượng vô địch của dân tộc anh hùng.”


“Bức tường sắt” của Tổ quốc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ cách đây 80 năm, ngày 28/3/1935, với tầm nhìn chiến lược của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, “Nghị quyết về Đội tự vệ” đã được thông qua tại Đại hội lần thứ Nhất của Đảng.

Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức chỉ đạo, xây dựng và hoạt động của lực lượng tự vệ; đặt cơ sở nền móng cho sự ra đời và phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam - một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân ngày nay.

Trải qua chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành đầy gian lao thử thách, cùng với quân dân cả nước, lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đội dân quân tự vệ và du kích Việt Nam là lực lượng xung kích quan trọng, làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành thắng lợi tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

Tiếp đó dân quân tự vệ đã góp phần to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; cùng toàn dân giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà; tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trung tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, đùm bọc, lực lượng Dân quân tự vệ đã không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, từng bước xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã.”

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Dân quân tự vệ đã được các thế hệ dân quân du kích, tự vệ dày công xây đắp, bảo vệ và phát huy lên những tầm cao mới; xứng đáng là một lực lượng vô địch của dân tộc Việt Nam anh hùng. Từ vị trí, vai trò to lớn đó, Đảng, Nhà nước đã quyết định chọn ngày 28/3 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam.

Lực lượng vô địch trong chiến tranh giải phóng dân tộc

Các tham luận tại hội thảo đã phản ánh nhiều khía cạnh, vấn đề khác nhau, song đều khẳng định và tập trung làm sáng tỏ thêm các vấn đề như tư tưởng, quan điểm quân sự của Đảng về xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng. Sự ra đời của lực lượng Dân quân tự vệ khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, tài giỏi của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Lịch sử xây dựng, tinh thần đoàn kết, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Dân quân tự vệ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Lực lượng Dân quân tự vệ tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh cùng toàn Đảng, toàn dân làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

Tham luận của Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyên Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng khẳng định với việc ra đời của Nghị quyết về Đội tự vệ, lần đầu tiên Đảng ta xây dựng được nguyên tắc về chính trị, quân sự của lực lượng vũ trang cách mạng một cách khá căn cơ, tương đối hệ thống và toàn diện; thể hiện rõ lập trường, quan điểm giai cấp công nhân trong xây dựng đội quân cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cũng như xây dựng lực lượng nửa vũ trang cách mạng; trong đó đấu tranh chính trị giữ vị trí then chốt.

Sau khi Nghị quyết về Đội tự vệ ra đời, nhất là trước khi cách mạng tháng Tám nổ ra, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị lần lượt ra đời, đóng vai trò làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh du kích; xây dựng và mở rộng các căn cứ địa, vùng giải phóng.

Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, lực lượng Dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây, dân quân tự vệ trở thành lực lượng vũ trang hùng hậu của Nhà nước Việt Nam độc lập; là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân; là công cụ sắc bén để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa mới giành lại được.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng dân quân tự vệ phát triển rộng khắp trong cả nước, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiến hành nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Dân quân tự vệ miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay địch, bắt sống nhiều phi công Mỹ, tiêu diệt hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Đồng thời, lực lượng Dân quân tự vệ tích cực phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; cùng bộ đội chủ lực và nhân dân miền Nam tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Ngày nay, lực lượng Dân quân tự vệ được phát triển cả về chất lượng, số lượng, biên chế tổ chức, trang bị trong đó, tổ chức, biên chế ngày càng tinh gọn hơn nhưng chất lượng tổng hợp của dân quân tự vệ được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Phát huy vai trò của lực lượng nữ dân quân tự vệ

Trình bày tham luận, Phó Chủ tịch Hội Liên Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh trong 30 năm chiến tranh cách mạng, cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam nói chung, các nữ dân quân tự vệ đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai.

Những chiến công, thành tích của các nữ dân quân tự vệ đã góp phần khẳng định vai trò và “sức mạnh vô địch, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang”; xứng đáng là “những người ái quốc sắt đá, là những chiến sỹ anh hùng” của lực lượng dân quân tự vệ, du kích như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Những bài học kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, phát huy vai trò của lực lượng nữ dân quân tự vệ, du kích trong 30 năm chiến tranh cách mạng sẽ mãi là những bài học giá trị, hết sức có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Nữ dân quân du kích năm xưa rắn quấn bên chân vẫn bắn thù, bà Bùi Thị Vân (67 tuổi, quê xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; nay sống tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) cho biết lúc bấy giờ giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, Lai Vu (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) là xã có chiều dài hơn 2km dọc Quốc lộ 5 - con đường mạch máu giao thông Hà Nội-Hải Phòng. Ba mặt của xã là sông Kinh Thày bao bọc; một bên là đường 5A và đường tàu hỏa; giữa xã là đường 5B; một bên là đê đường 5C. Bốn góc của xã là cầu Lai Vu, ga Lai Khê, cầu phao Nam Sách và bến Phà Mây. Trong xã lúc đó có một trung đoàn cán bộ chỉ huy và 5 trận địa pháo cao xạ. Tất cả đều là mục tiêu của địch và có người ví Lai Vu là túi hứng bom đạn của giặc Mỹ lúc bầy giờ.

“Lúc bấy giờ, tôi được giao nhiệm vụ vào phân đội trực chiến đấu bắn máy bay Mỹ bay ở tầng thấp bằng súng trường K44. Tiểu đội lúc đó có 8 người trực chiến đấu do đồng chí Thìn - Trung đội trưởng chỉ huy. Khi kiểm tra công sự, dưới hố cá nhân, tôi thấy có con rắn và nước vì trước đó mưa. Lúc đó tôi rất sợ rắn và đồng chí chỉ huy đang loay hoay tìm cách bắt nó thì nghe còi báo động rú vang lên. Chúng tôi mỗi người nhảy xuống hố của mình theo chỉ huy ra lệnh bắn máy bay. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều 5/11/1965, máy bay Mỹ bay 3 chiếc 1 tốp từ hướng đông theo dãy núi huyện Chí Linh ra, rồi bổ nhào dội bom xuống cầu Lai Vu và trận địa pháo. Hết tốp này đến tốp khác dội bom nhưng quân và nhân dân đã bắn trả quyết liệt, khiến máy bay Mỹ phải rút lui.

Nghe còi báo động bình yên, chúng tôi được lệnh thu dọn và kiểm tra súng đạn. Khi nhìn xuống hố thấy rắn bên chân mình, tôi sợ quá kêu lên và được anh Trung đội trưởng kéo lên. Thấy máu chân tôi chảy ra lẫn cả bùn, anh ấy lau đi và băng lại. Sau đó có người hỏi tôi, có sợ rắn không? Tôi bảo 'Trước đó em sợ lắm nhưng khi chiến đấu thì quên hết cả sợ và rắn nó có cắn mình em chịu, chứ giặc Mỹ ném bom bắn phá quê hương, hại nhiều người nên em bắn máy bay địch đã.' Sau trận đánh đó, tôi lại được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho ban chỉ huy xã,” bà Vân chia sẻ.

Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí độc lập, tinh thần quật khởi và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục