Lực lượng chức năng quyết tâm lập lại trật tự ở Kiev

Lực lượng cảnh sát chống bạo động Ukraine được lệnh tiếp cận các khu trại chính của người biểu tình để tiến hành các biện pháp cưỡng chế, giải tỏa.
Cảnh sát chống bạo động lập các rào chắn ngăn người biểu tình tại Kiev ngày 11/2. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Bắt đầu từ 18 giờ 00 (giờ địa phương, vào khoảng 23 giờ 00 giờ Hà Nội) ngày 18/2, lực lượng cảnh sát chống bạo động Ukraine đã được lệnh tiếp cận các khu trại chính của người biểu tình chống chính phủ ở Quảng trường Độc lập ở trung tâm thủ đô Kiev để tiến hành các biện pháp cưỡng chế, giải tỏa.

Ước tính, có khoảng gần 20.000 người biểu tình tụ tập ở Quảng trường Độc lập.

Từ các hướng khác nhau của quảng trường, lực lượng an ninh đã bố trí nhiều xe bọc thép chở quân.

Cảnh sát đã cảnh báo phụ nữ và trẻ em rời khỏi khu vực này, sau đó áp chế các vị trí của phe đối lập bằng vòi rồng, trong khi những người biểu tình đáp trả bằng bom xăng, đốt cháy xe bọc thép cảnh sát và phóng hỏa một phần của khu trại.

Trước khi thực hiện cuộc giải tỏa này, do diễn biến bạo lực leo thang và có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, nhà chức trách Ukraine đã buộc phải ra tối hậu thư đối với lực lượng đối lập.

Theo đó người biểu tình chống chính phủ phải chấm dứt mọi hành động bạo lực trước 18 giờ (giờ địa phương) tức 23 giờ ngày 18/2, bằng không các lực lượng an ninh Ukraine sẽ huy động tổng lực và sẽ được phép sử dụng mọi công cụ pháp lý để lập lại trật tự tại thủ đô Kiev.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng ra tuyên bố cảnh báo đối với người biểu tình, yêu cầu phải lập tức rời khỏi cơ sở của quân đội Ukraine ở gần tòa nhà Quốc hội - nơi người biểu tình đã chiếm cứ trái pháp luật.

Chính quyền thành phố Kiev cũng đã quyết định cho ngừng hoạt động hệ thống tàu điện ngầm của thành phố và cấm các phương tiện giao thông từ các khu vực lân cận vào Kiev kể từ 0 giờ 00 ngày 19/2 để đảm bảo an toàn.

Trong diễn biến liên quan, Ủy viên phụ trách mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Stefan Fuele cho biết trong một cuộc điện đàm, quyền Thủ tướng Ukraine Sergei Arbuzov đã cam đoan rằng lực lượng an ninh nước này sẽ làm sử dụng mọi biện pháp có thể để tránh xảy ra nổ súng.

Trước đó cùng ngày, người biểu tình cũng đã tái chiếm Tòa thị chính thủ đô Kiev sau khi xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu với cảnh sát chống bạo động. Hành động trên xảy ra chỉ hai ngày sau khi những người biểu tình rời tòa nhà này.

Bên cạnh các vụ đụng độ tại nhiều tuyến phố ở trung tâm thủ đô Kiev, đặc biệt là tại khu vực Quảng trường Độc lập, người biểu tình còn phong tỏa và tấn công trụ sở của Đảng Các khu vực cầm quyền ở Kiev.

Ngày 18/2 tại Ukraine, có thể được xem là một những ngày bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Âu này, khi có tới 14 người thiệt mạng trong đó có 6 cảnh sát, hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ phe đối lập với lực lượng cảnh sát chống bạo động.

Tổng công tố Ukraine Viktor Pshonka nói: “Lãnh đạo phe đối lập phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng bạo lực đẫm máu trong ngày 18/2. Cơ quan Công tố sẽ yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ đứng sau tình trạng bạo lực tại Kiev.”

Từ Moskva, trong một thông điệp được hãng tin Inter-fax truyền đi, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov tuyên bố các hành động của phe đối lập Ukraine là “mưu toan giành quyền lực bằng sự hỗn loạn và phi pháp.”

Ông nhấn mạnh Ukraine đang trên bờ vực một cuộc nội chiến do Phương Tây châm ngòi. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi kiềm chế và tiến hành "đối thoại thẳng thắn" giữa tất cả các bên tại Ukraine.

Trong khi đó, Mỹ và một số nước Phương Tây như Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) một mặt kêu gọi tất cả các bên ở Ukraine kiềm chế tránh để căng thẳng leo thang, một mặt chỉ trích nhà chức trách Ukraine “sử dụng vũ lực bừa bãi” và đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên quan đến những vụ bạo lực đẫm máu xảy ra trong ngày 18/2./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục