Lực lượng cánh tả đóng vai trò quan trọng thế nào ở Ấn Độ?

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, hàng trăm nghìn công nhân và nông dân đã tổ chức nhiều hoạt động, tuần hành đến Delhi, tiến hành tổng đình công và các hành động khác quy mô nhỏ hơn.
Người dân chờ được thuê làm ngồi bên vệ đường ở Mumbai của Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng The Hindu ngày 16/4 đăng bài viết của ông Vijay Prashad, Tổng biên tập Nhà xuất bản LeftWord Books ở New Delhi, đánh giá về vai trò của lực lượng cánh tả ở Ấn Độ.

Nội dung bài viết như sau:

Khoảng một nửa dân số Ấn Độ, tức gần 700 triệu người vẫn phải mang bụng đói đi ngủ mỗi đêm. Đó là số liệu khảo sát của hãng McKinsey.

Không cần đến một cơ quan tư vấn nào cũng có thể nhận thấy những cảnh khốn cùng ở Ấn Độ. Điều đó thể hiện rõ trên các con phố và ở những cánh đồng.

Tình trạng nghèo đói ở nông thôn và thành thị, càng thê thảm hơn với những vụ tự sát của người nông dân và các khu ổ chuột không ngừng mọc lên, đã trở thành điều bình thường. Chính sách của chính phủ trung ương trên thực tế không giải quyết được bất cứ thách thức nào mà một nửa dân số Ấn Độ đang phải đối mặt. Họ có cảm giác bị tước đoạt và cô lập. Tâm lý đó thường xuyên chuyển hóa thành những cơn thịnh nộ. 

[Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế 10.000 tỷ USD]

Tiếng nói của người nông dân và công nhân thuộc các tầng lớp và bộ lạc được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp bị áp chế. Hầu hết các chính đảng phớt lờ họ, quay sang "ve vãn" tầng lớp trung lưu như thể tầng lớp này mới tạo điều kiện cho quá trình quyết sách chính trị.

Rõ ràng là những người hưởng lợi nhờ các chính sách của chính phủ từ năm 1991 đến nay không phải là tầng lớp trung lưu này, mà là một nhóm có thể gọi là "đầu sỏ" (10% dân số Ấn Độ sở hữu 75% tài sản xã hội ở nước này). Vũ đài trung tâm đang làm lợi cho những tập đoàn kinh doanh khổng lồ.

Khuếch trương tiếng nói của người nông dân, công nhân, phụ nữ và những người thuộc đẳng cấp thấp là một nhiệm vụ của phong trào cánh tả Ấn Độ. Người ta thường nói với nhau về việc cánh tả đã lỗi thời hay bị gạt ra rìa.

Tuy nhiên, năm 2018, lực lượng cánh tả đã đóng vai trò trung tâm trong hàng trăm hành động của quần chúng, thường dân nhưng đã gây chấn động đất nước bằng sự dũng cảm phi thường của họ. Chính dòng người nông dân tuần hành kéo dài hàng km ở Maharashtra năm 2018 đã khiến một bộ phận tầng lớp trung lưu thành thị phải thừa nhận những nỗi thống khổ ở khu vực nông thôn và chào đón đoàn người tuần hành đến ngoại ô thành phố Mumbai (thủ phủ bang Maharashtra).

Trên khắp Ấn Độ, trong năm ngoái và nhiều năm trước đó, người dân phản đối sự bất ổn của chủ nghĩa tư bản cũng như việc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không thể giải quyết tình trạng này.

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, hàng trăm nghìn công nhân và nông dân đã tổ chức nhiều hoạt động, tuần hành đến Delhi, tiến hành tổng đình công và các hành động khác quy mô nhỏ hơn. Tất cả đều do các nghiệp đoàn và các tổ chức nông dân và lao động nông thôn của lực lượng cánh tả tổ chức.

Các cuộc biểu tình đều nhằm nêu bật tình cảnh thống khổ của người nông dân. Chúng đã góp phần làm đảo lộn cục diện chính trị ở 3 bang nói tiếng Hindi, gồm Rajasthan, Madhya Pradesh và Chhattisgarh, nơi đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền thất bại trong các cuộc bầu cử lập pháp địa phương hồi cuối năm ngoái.

Việc lực lượng cánh tả không thể chuyển biến những cuộc tập hợp quần chúng như vậy thành nhiều ghế hơn cho các ứng cử viên cánh tả là một câu chuyện buồn trong hệ thống bầu cử của Ấn Độ, nơi đẳng cấp và giáo phái cũng như cơ chế tiền quyền thuần túy định đoạt kết quả.

Hãy thử hình dung nếu không có phong trào cánh tả ở Ấn Độ, ai sẽ lắng nghe tiếng nói của người công nhân và nông dân. Ai sẽ chắp cánh những giấc mơ và khát vọng của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn? Ai sẽ ủng hộ lẽ phải trong sự chia rẽ, ủng hộ phúc lợi xã hội trước sự giàu có cá nhân. Nếu không có những nỗ lực này, người dân sẽ ra sao?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục