Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vững vàng nơi đầu sóng

Dù tình hình trên biển trong thời gian qua hết sức căng thẳng, song cán bộ chiến sỹ Cảnh sát biển luôn lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp trên.
(Ảnh: Công Định-Hữu Trung/Vietnam+)

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trên vùng biển của Việt Nam đang tạo ra “điểm nóng” gây bất bình dư luận trong nước và quốc tế.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt trên tàu Cảnh sát biển 8003 đang làm nhiệm vụ tại hiện trường để chứng kiến những diễn biến trên biển, đặc biệt là những hành động ngang ngược của Trung Quốc khi điều nhiều tàu ngăn cản lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại đây.

Vào 7 giờ 30 phút, ngày 15/5, theo kế hoạch tàu Cảnh sát biển 8003 cùng với các biên đội tàu Cảnh sát biển khác của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cơ động tiến vào mục tiêu nơi mà Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam để thực thi pháp luật.

Khi tàu Cảnh sát biển 8003 cách mục tiêu chừng 8,4 hải lý thì lập tức các tàu chấp pháp của Trung Quốc xuất hiện và tiến hành ngăn cản các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam.

Lúc gần nhất tàu CSB 8003 cách giàn khoan Trung Quốc 7,5 hải lý. Lúc này từ boong tàu Cảnh sát biển 8003, nhóm phóng viên chúng tôi quan sát rất rõ từ nhiều hướng, các tàu của Trung Quốc tỏa ra từ nhiều phía cắt mặt, kèm và ép sát tàu của Cảnh sát biển Việt Nam kéo còi và mở loa uy hiếp. Mặc dù vậy, tàu Cảnh sát biển 8003, trong đội hình biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp nhịp nhàng thoát khỏi sự uy hiếp của các tàu Trung Quốc tiến vào mở loa tuyên truyền.

8 giờ 40 phút, xung quanh tàu Cảnh sát biển 8003 xuất hiện thêm các tàu chấp pháp của Trung Quốc là 2112 và 31101 ra áp sát và ngăn cản. Các tàu này liên tục cắt mặt tàu CSB 8003 sau đó vòng lại tăng tốc và kẹp tàu CSB 8003 vào giữa.

Nhận định thấy tình hình có thể gây nguy hiểm cho con tàu, Đại úy Nguyễn Văn Hưng thuyền trưởng tàu CSB 8003 cầm bộ đàm thông tin cho các tàu trong biên đội tăng tốc phối hợp hỗ trợ để tàu CSB 8003 thoát khỏi vòng vây. Cùng lúc đó Đại úy Hưng thông tin cho các biên đội tàu trong đội hình tăng tốc lên hỗ trợ tàu 8003, hai tàu của Trung Quốc giảm tốc độ tản ra hai bên và quay lại vị trí giàn khoan.

Theo Trung tá Phan Duy Cường, Trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết động thái của Trung Quốc trong hai ngày qua đã dịu bớt căng thẳng. Các tàu Trung Quốc ra ngăn cản hoạt động chấp pháp của Việt Nam không hung hăng húc thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam như những ngày trước mà chỉ cắt mặt, sau đó ép sát và dùng loa quấy nhiễu rồi quay trở lại vị trị.

Đặc biệt, trong ngày 15/5, chúng tôi không phát hiện sự xuất hiện của các tàu chiến cũng như máy bay quân sự bay lượn trên trên bầu trời, nơi mà các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam hoạt động.

Đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu CSB 8003, cho biết mặc dù hoạt động trên biển gặp nhiều khó khăn, xong cán bộ chiến sỹ của tàu luôn luôn xác định tốt nhiệm vụ. Kiên trì và kiên quyết đấu tranh với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. Tình hình trên biển trong thời gian qua là hết sức căng thẳng, song cán bộ chiến sỹ luôn lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp trên.

Mặc dù phía Trung Quốc ngang nhiên đưa ra thông báo vô lý là khoanh vùng phạm vi hoạt động trên biển tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất thì vẫn có rất nhiều tàu cá của ngư dân miền trung vẫn hoạt động khai thác thủy sản trên ngư trường truyền thống này.

Tại vị trí cách khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép khoảng 10 hải lý, nhiều đội tàu vẫn tổ chức hoạt động thả lưới đánh bắt cá. Các đội tàu này thường bám biển dài ngày mỗi lần ra ngư trường khai thác.

Theo thông tin trao đổi qua Icom nhiều ngư dân cho biết, sẽ vẫn tiếp tục bám biển khai thác thủy sản. Với sự có mặt thường xuyên liên tục của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam như Kiểm ngư, Cảnh sát biển ngư dân vẫn yên tâm tự do khai thác tại các ngư trường truyền thống trên vùng biển Hoàng Sa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục