Lực kéo trong ngành năng lượng của khu vực ASEAN

AMS hiện là nơi tiêu thụ năng lượng lớn thứ sáu và dự kiến sẽ tăng lên vị trí thứ tư vào năm 2030, với hơn 54% nhu cầu dự kiến sẽ được cung cấp bởi hoạt động nhập khẩu năng lượng vào năm 2035.
Đoàn công tác Vụ Khoa học và Công nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, thị sát dự án tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Đoàn công tác Vụ Khoa học và Công nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, thị sát dự án tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Cải thiện kết nối đảm bảo chủ quyền năng lượng ASEAN," với nội dung xoay quanh thực tế là nhu cầu năng lượng ở các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã tăng gấp đôi so với các quốc gia khác kể từ những năm 2000.

AMS hiện là nơi tiêu thụ năng lượng lớn thứ sáu và dự kiến sẽ tăng lên vị trí thứ tư vào năm 2030, với hơn 54% nhu cầu dự kiến sẽ được cung cấp bởi hoạt động nhập khẩu năng lượng vào năm 2035.

Tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đã gia tăng đáng kể tại đây, từ con số 20 tỷ USD của năm 2017 lên 50 tỷ USD trong năm 2018. Điều này được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng hiện nay của khu vực đang cần tiêu thụ một lượng lớn năng lượng. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng tăng cao không chỉ dẫn đến các vấn đề an ninh năng lượng mà còn làm trầm trọng thêm vấn nạn biến đổi khí hậu, nếu các lựa chọn về năng lượng tái tạo không được tính đến.

Tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học

Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Năng lượng (AMEM) gần đây tại Bangkok, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng và Khoáng sản Indonesia ông Arcandra Tahar đã lưu ý đến tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học. Trong một cuộc thảo luận, ông Tahar cho rằng nhiên liệu sinh học không chỉ làm giảm bớt sự phụ thuộc của người dân vào nhiên liệu hóa thạch mà còn giúp xóa đói giảm nghèo.

Khu vực Đông Nam Á sở hữu nguồn nhiên liêu sinh học khá dồi dào với cơ hội sử dụng rất rộng mở. Trong khi Thái Lan đã phải vật lộn để tăng hỗn hợp diesel sinh học từ B20 lên B30 do nguồn lực hạn chế, Indonesia và Malaysia lại có thể tăng hỗn hợp diesel sinh học lên tới B100, nhờ nguồn tài nguyên dồi dào.

Tuy nhiên, các hạn chế của Liên minh châu Âu về việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ dầu cọ và nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây lương thực đối với các vấn đề liên quan đến thay đổi sử dụng đất gián tiếp (ILUC) đã khiến sản lượng trong một số AMS suy giảm.

Tiềm năng nhiên liệu sinh học vẫn còn rất lớn ở ASEAN, cả về cung và cầu, song vẫn còn những thách thức liên quan đến chi phí và công nghệ phù hợp. Quá trình nghiên cứu về nhiên liệu sinh học nên được thực hiện với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ AMS và sự hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và học thuật trong khu vực.

Có thể nhận thấy sự gia tăng tỷ trọng nhiên liệu sinh học trong việc cung cấp năng lượng, chẳng hạn như bằng cách xem xét lại các chính sách ở mỗi quốc gia về việc sử dụng nhiên liệu sinh học và cách xác định được sản phẩm phụ thay thế. Các chương trình giảng dạy tại các trường đại học nên đã được liên kết với chiến lược để hỗ trợ nhu cầu nguồn nhân lực lớn của khu vực.

Việc chuyển đổi bất kỳ nguồn năng lượng sinh học thành năng lượng và các sản phẩm phụ có lợi khác như hóa chất cũng có giá trị phát triển trong khu vực, do có nhiều sản phẩm phụ có thể được phát triển từ quá trình lọc sinh học.

Việc xác định nhiên liệu sinh học và các sản phẩm sinh học từ các nhà máy sinh học chưa được thống nhất giữa các ngành công nghiệp từ các học giả và các nhà hoạch định chính sách. Nhu cầu về các sản phẩm sinh học đã tăng đáng kể trong những thập kỷ qua, với một số trường đại học châu Âu trước đây đã có các chương trình nghiên cứu tập trung vào dầu khí gần đây đã chuyển sang hóa sinh và công nghệ sinh học.

[ASEAN đẩy mạnh hợp tác chia sẻ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng]

Giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu

Một cơ hội khác liên quan đến việc sử dụng năng lượng sinh học trong khu vực là kinh doanh năng lượng. Sự khác biệt về chi phí giữa AMS có thể trở thành một vấn đề nhạy cảm. Do đó, việc cân bằng giá cả và phương pháp giao dịch phải được AMS xây dựng và thống nhất.

Điều này đã được ghi nhận trong Diễn đàn kinh doanh năng lượng ASEAN (AEBF), các kế hoạch năng lượng cơ bản của chính phủ các nước phải được chỉnh sửa lại cho phù hợp. Mục tiêu tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên 30 tỷ GWh giờ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể. Trong khi đó, tỷ lệ 23% được quy định cho các nhà máy nhiệt điện trong mục tiêu cấp năng lượng cũng cần được xem xét lại. Thách thức chính là việc tiếp cận lưới điện và tích hợp với các hệ thống điện hiện có của các nguồn năng lượng đang bị phân tán và hoạt động độc lập.

Lực kéo trong ngành năng lượng của khu vực ASEAN ảnh 1Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu, đây là địa phương đã được Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là hơn 400MW và đến 2030 là 1.500MW. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Năm nay, AMS đã thành công trong việc vượt mục tiêu tăng sản lượng năng lượng từ 20% lên hơn 24% vào năm 2020. Điều này ngụ ý rằng việc sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo (RE) để đạt được 23% vào năm 2025 đòi hỏi nhiều công việc khó khăn hơn. Cho đến nay, khu vực này mới chỉ đạt được tỷ lệ RE là hơn 14%; vẫn cần thêm 8,7 % để đạt được mục tiêu trong vòng 5-6 năm tới.

Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng sinh học làm nguồn nhiên liệu để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu cũng có ý nghĩa chiến lược. Dầu chiếm hơn 70% lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh trong 30 năm tới với vận tải là ngành tiêu thụ nhiều dầu nhất.

Khu vực này sẽ nhập khẩu một lượng lớn dầu và được dự đoán sẽ chi hơn 300 tỷ USD mỗi năm cho nhập khẩu năng lượng sau 30 năm kể từ bây giờ. Khu vực ASEAN dự kiến sẽ là nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào khoảng năm 2027 và than vào khoảng năm 2035. Những con số này đáng báo động và đã thúc đẩy AMS tìm cách ngăn chặn vấn đề năng lượng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, do tăng trưởng nhập khẩu năng lượng cao hơn so với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước.

Ba nước AMS (Lào, Thái Lan và Malaysia) đã đồng ý kết nối với Mạng lưới điện ASEAN (APG), một hệ thống phân phối điện tập trung sẽ đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tăng chia sẻ RE trên hệ lưới điện cũng là một vấn đề, vì ít nhất việc kết nối lưới điện cũng nên xem xét các vấn đề liên tục cũng như chi phí.

Sự kết nối có thể mang lại lợi ích kinh tế, hiệu quả về chi phí và sự ổn định cho an ninh khu vực cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành điện trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc cung cấp nguồn cung cạnh tranh và điện áp ổn định. Ý chí chính trị và chia sẻ tiêu chuẩn hóa sẽ được giải quyết trong giai đoạn hợp tác ban đầu, trong khi các vấn đề kỹ thuật khác sẽ tương đối dễ giải quyết. Các công nghệ để kết nối các tần số khác nhau đã có sẵn trên thị trường toàn cầu.

Cải thiện kết nối sẽ là lực kéo trong ngành năng lượng ASEAN. Điều này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn trong khu vực, mà còn góp phần vào chủ quyền năng lượng và sự bền vững của ASEAN thông qua việc tích hợp RE hiệu quả vào hệ thống điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục