Kết thúc năm 2018 với “màn trình diễn” không mấy thuyết phục, giá vàng tiến vào năm 2019 trong sự cẩn trọng xen lẫn hoài nghi của giới chuyên gia và nhà đầu tư.
Hồi tháng Một năm nay, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá vàng - khi đó đang ở quanh mức 1.280 USD/ounce - sẽ tăng lên khoảng 1.425 USD/ounce vào cuối năm nay.
Đây là mức cao kỷ lục trong 5 năm, nhưng hoàn toàn có cơ sở khi tính đến các yếu tố hỗ trợ giá vàng. Đó là căng thẳng địa chính trị gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhà đầu tư tìm kiếm các kênh “trú ẩn an toàn” như vàng.
Nhưng tháng Chín đã cận kề và trong tháng Tám này giá vàng đã vượt ngưỡng cao của 6 năm là 1.500 USD/ounce, thậm chí đã có lúc chạm mức “đỉnh” tính từ tháng 4/2013 là 1.555,07 USD/ounce.
Theo giới quan sát, những diễn biến này chứng tỏ vàng đã lấy lại vị thế là tài sản “trú ẩn an toàn” hàng đầu sau một năm 2018 không mấy nổi bật.
“Tỏa sáng” trong giai đoạn nhiều bất ổn
Những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã “ám ảnh” các thị trường toàn cầu kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, vàng đã không thể hưởng lợi khi các nhà đầu tư vội vã chuyển hướng sang đồng USD để tìm nơi “trú ẩn.” Bên cạnh đó, sự vững chắc trên thị trường chứng khoán toàn cầu và Mỹ cũng làm giảm nhu cầu về vàng.
Nhưng khi căng thẳng thương mại gia tăng trong vài tháng qua với cả Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu lẫn nhau vì các nỗ lực đàm phán đã không mang lại kết quả, thị trường lại chứng kiến sự “lên ngôi” của vàng.
Điều này cùng với sự chậm lại trong đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đã đủ để gây ra một "cơn sốt" đối với các tài sản “trú ẩn an toàn."
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng Bảy, kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm 2019 và 3,5% vào năm 2020, đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư vừa qua.
[Tháng Tám đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp giá vàng thế giới tăng]
Chín nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Vương quốc Anh, Đức, Nga, Singapore và Brazil, đang trên bờ vực suy thoái hoặc đã trong tình trạng suy thoái. Và một tâm lý chung của thị trường là Mỹ có thể “nối gót” các nền kinh tế này. Với tâm lý đó, nhu cầu về vàng như một kênh “trú ẩn an toàn” càng tăng cao hơn nữa.
Nếu trong năm 2018, đồng USD tăng khá mạnh nhờ những động thái thắt chặt chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi nền kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng khá lạc quan.
Sang năm nay, căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đã hạn chế đà mở rộng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, buộc Fed phải cân nhắc điều chỉnh chính sách tiền tệ, chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất tại cuộc họp hồi cuối tháng Bảy, qua đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của đồng USD.
Trong bối cảnh đó, sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng tăng đáng kể đối với các nhà đầu tư không dùng đồng USD, vì lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc sở hữu vàng. Các nhà đầu tư càng tin rằng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất thì vàng càng nhiều khả năng có thể kéo dài đà tăng.
Hưởng lợi từ làn sóng “phi USD hóa”
Tuy nhiên, giới quan sát nói rằng thị trường dường như đang không chú ý đến một xu hướng quan trọng, thậm chí có thể dẫn đến tác động kéo dài hơn cả những căng thẳng địa chính trị hiện tại và các chính sách của Fed: xu hướng phi USD hóa trên toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, ngày càng nhiều chính phủ trên khắp thế giới tỏ ra cảnh giác với sự chi phối của đồng USD trong hoạt động thương mại quốc tế. Những chính phủ này đang cố gắng hết sức để tránh bị ảnh hưởng bởi những biến động của đồng USD bằng cách sử dụng dự trữ vàng của họ để mua thêm vàng.
Quá trình này đã và đang được tiến hành chủ yếu ở các quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, trong đó bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Venezuela, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ấn Độ, Pakistan, Libya. Hiển nhiên, các quốc gia này đang chuyển sang vàng vì kim loại quý này không bị kiểm soát và hạn chế nghiêm ngặt như đồng bạc xanh và các phương thức thanh toán điện tử khác.
Xu hướng phi USD hóa được minh chứng rất rõ ràng khi nhìn vào hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng thêm 374,1 tấn trong sáu tháng đầu năm 2019, giúp đẩy tổng nhu cầu vàng toàn cầu lên mức cao nhất trong ba năm.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn, với một cuộc khảo sát gần đây về các ngân hàng trung ương cho thấy 54% số chuyên gia được hỏi nhận định lượng vàng do những ngân hàng này nắm giữ trên toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng ANZ cũng các giao dịch mua vàng nhà nước hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng vàng tiêu thụ trên toàn thế giới.
ANZ nhận định xu hướng này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới vì hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn còn khả năng mở rộng kho dự trữ vàng của họ. Xu hướng này cũng sẽ tiếp thêm lực đẩy cho giá vàng vốn đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 do nhu cầu tăng cao.
Triển vọng lạc quan cho giá vàng
Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng tới 19%. Tính riêng trong tháng Tám này, vàng đã tăng tới 7,4% (tương đương với 100 USD) và luôn “neo" quanh mức cao của sáu năm là 1.500 USD/ounce.
Đối với các nhà phân tích của Goldman Sachs, mức tăng trên 1.500 USD/ounce chỉ là khởi đầu. Các nhà phân tích tại ngân hàng này dự đoán rằng giá vàng sẽ tăng lên 1.600 USD/ounce trong sáu tháng tới giữa lúc giới đầu tư tiếp tục tìm kiếm nơi "trú ẩn."
Tỏ ra lạc quan hơn, UBS dự báo giá vàng trong ba tháng tới sẽ nằm trong khoảng 1.450 -1.600 USD/ounce. Còn trong sáu tháng và 12 tháng tới kim loại quý này có thể đạt lần lượt là 1.600 USD/ounce và 1.650 USD/ounce.
Cả hai ngân hàng này đều viện dẫn những lý do gồm triển vọng kinh tế toàn cầu mờ nhạt, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang giúp thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một “hàng rào” chống lại bất ổn tài chính.
Về xu hướng của giá vàng trong thời gian tới, Goldman Sachs và UBS đều nhận định với triển vọng bất ổn của kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, nhiều khả năng đà tăng của giá vàng sẽ tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, đây có thể là một chặng đường nhiều trắc trở khi thị trường vẫn phải chờ đợi những thông tin rõ ràng xoay quanh nhiều vấn đề lớn.
Các câu hỏi quan trọng hiện nay bao gồm liệu Mỹ - Trung có đạt được một thỏa thuận thương mại hay không, Fed có cắt giảm lãi suất một lần nữa hay không, nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với một đợt suy thoái kinh tế nữa hay không và liệu nước Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận hay không.
Nếu chưa có lời đáp cho những câu hỏi này, thì chúng ta sẽ được chứng kiến những biến động trên thị trường tài chính có thể sẽ mang lại lợi ích cho các kênh "trú ẩn" an toàn như vàng./.