Lục địa đen - khu vực tiên phong trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Châu Phi có 128/1.000 sáng kiến toàn cầu, được ứng dụng đa dạng từ các biện pháp giám sát dịch bệnh, truy dấu tiếp xúc cho đến các phương pháp phòng dịch và chữa trị người mắc COVID-19.
Quân đội Nam Phi đo thân nhiệt cho lái xe tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Quân đội Nam Phi đo thân nhiệt cho lái xe tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Châu Phi đang trở thành một trong những khu vực tiên phong trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới thông qua việc đóng góp một số lượng đáng kể các sáng kiến liên quan đến công tác ứng phó với đại dịch này.

Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn báo cáo ngày 30/10 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại châu Phi, châu lục này đã có tổng cộng 128 sáng kiến trên tổng số 1.000 sáng kiến trên toàn cầu, chiếm tỷ lệ 12,8%.

Các sáng kiến của châu Phi hiện đang được ứng dụng đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ các biện pháp giám sát dịch bệnh, truy dấu tiếp xúc cho đến các phương pháp phòng dịch và chữa trị người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong thông báo, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nêu rõ mặc dù dịch COVID-19 được xem là thách thức lớn nhất của loài người trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đây cũng là cơ hội và động lực để nhân loại tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt trên mặt trận y khoa cũng như bảo vệ sức khỏe con người.

[Dịch COVID-19 sáng 31/10: Gần 45.900.000 ca mắc trên toàn thế giới]

Theo bà Moeti, tại châu Phi, giới trẻ chính là đối tượng tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến cùng nhiều sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao từ máy sát khuẩn tay chạy bằng năng lượng Mặt Trời, các ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp phát hiện ổ dịch, truy dấu người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 cho đến cảnh báo thuê bao khi di chuyển đến các điểm nóng dịch bệnh.

Trong 128 sáng kiến về công nghệ của châu Phi, khoảng 60% liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), 25% liên quan đến công nghệ in ba chiều (3D) và số còn lại có mối quan hệ mật thiết đến công nghệ robot.

Nổi bật trong số các sáng kiến liên quan đến ICT là công nghệ trả lời tự động trên ứng dụng chat Whatsapp của Nam Phi, ứng dụng tự chẩn đoán bệnh của Angola, ứng dụng truy vết tiếp xúc của Ghana và ứng dụng tư vấn phòng dịch của Nigeria.

Báo cáo của WHO cho biết các quốc gia đóng góp nhiều sáng kiến nhất tại châu Phi phần lớn thuộc khu vực phía Nam sa mạc Sahara, trong đó bao gồm Nam Phi (13%), tiếp đến là Kenya, Nigeria và Rwanda với tỷ lệ lần lượt là 10%, 8% và 6%.

Liên quan đến dịch COVID-19 tại châu Phi, hôm 29/10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) John Nkengasong đã cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên.

Theo CDC châu Phi, cho đến nay, 55 nước thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm, tương đương 3,9% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu, một tỷ lệ khá thấp so với mức trung bình trên thế giới.

Tuy nhiên, trong tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục đã tăng 6% mặc dù trước đó châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục