Lục địa Đen có trở thành "điểm đến" của Anh thời kỳ hậu Brexit?

Khi thời hạn Anh rời khối thương mại lớn nhất thế giới là EU đang tới gần, Thủ tướng Theresa May phải cố gắng củng cố quan hệ với các nền kinh tế ngoài EU.
(Nguồn: thesrpskatimes.com)

Ngày 27/8, Thủ tướng Anh Theresa May - với sự tháp tùng của 29 giám đốc điều hành đến từ các công ty kinh doanh trên nhiều lĩnh vực - đã bắt đầu chuyến công du 3 quốc gia châu Phi là Nam Phi, Nigeria và Kenya.

Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của bà May trên cương vị thủ tướng, và là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Anh đến khu vực châu Phi cận Sahara kể từ năm 2013 và lần đầu tiên đến Kenya sau hơn 30 năm.

Ngày 28/8, Thủ tướng May hội đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Cape Town, sau đó bà bay sang Abuja vào ngày 29/8 để thảo luận với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và cuối cùng là đến Nairobi để gặp gỡ Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta vào ngày 30/8.

Đánh giá về chuyến công du này, các trang mạng moneyweb.co.zadailymail.co.uk cho rằng bà May sẽ đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho nước Anh tại Lục địa Đen, trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Brexit căng thẳng

Chuyến công du của Thủ tướng Anh diễn ra trong bối cảnh những người ủng hộ "Brexit cứng" trong đảng Bảo thủ đang gây áp lực nhằm phá vỡ kế hoạch của bà May trong việc duy trì quan hệ chặt chẽ với EU sau Brexit.

Chỉ còn 7 tháng nữa là đến ngày 29/3/2019, thời điểm Anh rời EU, những quan ngại về nguy cơ các cuộc đàm phán bị đổ vỡ và không đạt được thỏa thuận đang gia tăng trên các thị trường tài chính.

Theo tờ Sunday Times, Thủ tướng May đã yêu cầu các quan chức hàng đầu tham dự cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày 13/9 tới nhằm tập trung thảo luận phương án dự phòng cho tình huống Brexit mà không đạt được thỏa thuận.

Cuộc họp này sẽ đánh giá lại sự chuẩn bị của Anh và hoạch định những hành động cần thiết tiếp theo.

Các bộ trưởng của Anh đang bị chia rẽ về kịch bản Brexit không có thỏa thuận. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cảnh báo Anh sẽ mất khoảng 80 tỷ bảng Anh (103 tỷ USD) nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách Brexit Dominic Raab cho rằng cần thận trọng với những dự báo như vậy bởi trong quá khứ một số dự báo đã sai.

[Nếu không đạt thỏa thuận Brexit, thảm họa nào đang chờ nước Anh?]

Tìm kiếm cơ hội ở châu Phi

Khi thời hạn Anh rời khối thương mại lớn nhất thế giới là EU đang tới gần, bà May phải cố gắng củng cố quan hệ với các nền kinh tế ngoài EU.

Với việc chiếm 16% tổng dân số thế giới, dân số trẻ và tiếp tục gia tăng, nhưng chỉ thu hút được 3% đầu tư trực tiếp nước ngoài và chỉ chiếm 3% thương mại hàng hóa toàn cầu, rõ ràng châu Phi là lục địa mà nước Anh nhận thấy có nhiều tiềm năng.

Trong một tuyên bố, bà May đã khẳng định: “Do chúng tôi chuẩn bị rời khỏi EU, nên bây giờ chính là thời điểm để Vương quốc Anh củng cố và tăng cường các mối quan hệ đối tác toàn cầu. Một châu Phi phát triển, kinh doanh tăng cường và thịnh vượng hơn sẽ mang lại lợi ích chung cho chúng ta. Tiềm năng đáng kinh ngạc của châu Phi chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua quan hệ đối tác đồng bộ giữa các chính phủ, các tổ chức toàn cầu và các doanh nghiệp… Tuần này, tôi mong muốn thảo luận biện pháp phối hợp cùng châu Phi để mang lại nguồn đầu tư quan trọng, việc làm cũng như duy trì sự ổn định và an ninh. Tôi tự hào dẫn đầu chuyến đi đầy tham vọng này đến châu Phi và trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên trong hơn 30 năm tới thăm Kenya.”

Với tham vọng như trên, trong chuyến công du đến châu Phi, Thủ tướng May được tháp tùng bởi đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp hùng hậu, bao gồm Giám đốc điều hành Standard Chartered Bill Winters, Giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán London David Schwimmer và Giám đốc điều hành Scotch Whiskey Karen Betts.

Các công ty và tổ chức khác cùng tham gia đoàn bao gồm Bechtel UK, CDC Group, City of London Corporation, Cơ quan quản lý tài chính, JCB, Mabey Bridge và Mott Macdonald.

Ngăn chặn dòng người nhập cư

Trong chuyến công du châu Phi lần này, Thủ tướng May cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Âu trong việc góp phần mang lại sự ổn định và an ninh ở Lục địa Đen nhằm ngăn chặn dòng người di cư tìm cách vào lục địa già qua đường biển.

Thủ tướng Anh khẳng định: “Một châu Phi ổn định, đảm bảo công ăn việc làm và phát triển là lợi ích chung của toàn thế giới bởi vì xung đột, triển vọng việc làm không mấy sáng sủa và bất ổn kinh tế sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng di cư và các chuyến hành trình nguy hiểm đến châu Âu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục