Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Thiếu đồng nhất về chính sách

Chính sách giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi, dẫn tới việc chính quyền áp giá đền bù, hỗ trợ cho người bị mất đất không đồng nhất, một thửa ruộng, mảnh vườn áp dụng hai giá đền bù.
Ông Nguyễn Tiến Dũng ở xóm Đình, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ về sau 13 năm chưa nhận được đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Tây Nam Kim Giang. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giải phóng mặt bằng luôn được các Bộ, ngành, địa phương xác định là việc khó.

Song với thành phố Hà Nội, việc này lại càng khó khăn hơn bởi đặc thù ở đây “tấc đất là tấc vàng.”

Do giá trị của đất cao, cũng như vấn đề phức tạp nên thống kê cho thấy, có trên 70% số đơn thư khiếu nại, kiến nghị tại Hà Nội liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng.

Có thể thấy chính sách giải phóng mặt bằng giống nhau nhưng việc thực thi, “cầm cân nảy mực” ở một số nơi còn tùy tiện, tư lợi, tham nhũng nên không cho ra mẫu số chung. Dẫn đến, người chây ì giải phóng mặt bằng lại được hưởng đền bù giá cao đang gây bức xúc không chỉ ở Hà Nội hiện nay.

[Quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội: Còn bất cập về cơ chế, chính sách]

Do mất lòng tin từ “kẽ hở” trong giải phóng mặt bằng nên nhiều người, nhiều nơi có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất.

Trong quá trình hoàn thiện, phát triển của mỗi địa phương sẽ không tránh khỏi việc giải phóng mặt bằng, khiến nhiều hộ dân phải rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để dành đất cho công trình. Đó là tất yếu của một xã hội.

Nhưng với tính chất phức tạp của việc giải phóng mặt bằng nên tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành khác trên cả nước, việc này thường kéo dài, vắt qua nhiều thời kỳ.

Trong khi đó, chính sách giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi, dẫn tới việc chính quyền áp giá đền bù, hỗ trợ cho người bị mất đất không đồng nhất. Thế nên có thực tế, một thửa ruộng, mảnh vườn áp dụng hai giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Điều này làm cho người dân bị mất đất rất tâm tư, dùng dằng khi bàn giao đất cho chủ đầu tư, tạo ra hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Mỏi mòn đi tìm công bằng

Năm nay hơn 60 tuổi, ông Nguyễn Tiến Dũng ở xóm Đình, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) đã nếm đủ ngọt đắng trong đời nhưng khi nhắc đến đền bù giải phóng mặt bằng dự án Tây Nam Kim Giang giai đoạn 1, ông lại cảm thấy cay mắt như chực khóc.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng vào năm 2007, khi đó gia đình ông đã dành 680m2 đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu cho dự án với giá đền bù là 162.000/m2, cùng tiền hỗ trợ khác nữa.

Cũng thời điểm đó, ông Dũng đăng ký nhận 60m2 đất tái định cư theo quy định. Nhưng từ đó đến nay, gia đình ông chưa được nhận tiền đền bù đất và suất đất tái định cư.

Để ổn định cuộc sống sau khi mất đất cho dự án, gia đình ông đã xoay sang nghề bán đồ ăn sáng, kiếm thu nhập qua ngày.

Trong ngôi nhà cấp 4 của mình, ông Dũng thở dài và hướng ánh nhìn về phía các tòa nhà cao tầng ở khu Tây Nam Kim Giang, mọc lên trên chính mảnh ruộng của mình than thở: “Mong Nhà nước sớm trả tiền đền bù và đất tái định cho người dân để ổn định cuộc sống, yên tâm khi về già.”

Ông Dũng nói thêm cùng thời điểm trên, cụ Nguyễn Huy Tiệc - bố đẻ của ông - đã bàn giao 170m2 đất nông nghiệp cho dự án Tây Nam Kim Giang. Đồng thời, nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cùng 60m2 đất tái định cư.

Dự án Tây Nam Kim Giang sau 13 năm triển khai vẫn đang dang dở giải phóng mặt bằng. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Dự án Tây Nam Kim Giang được hình thành cách đây 13 năm theo Quyết định số 4272 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 26/10/2007, về việc thu hồi 357.910m2 đất tại xã Tân Triều (Thanh Trì) để làm quỹ nhà tái định cư cho thành phố.

Lúc bấy giờ, thành phố giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng.

Vốn là một khu ruộng màu mỡ, khu Tây Nam Kim Giang đã mọc lên những khối nhà cao hơn 20 tầng với dáng vẻ một khu đô thị mới đang hình thành. Song, dưới chân tòa nhà cao tầng ấy, còn có những ruộng, khu đất được quây tôn, cỏ mọc um tùm cho thấy khu Tây Nam Kim Giang vẫn đang dở dang giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền, sở dĩ công tác giải phóng mặt bằng bị tắc là do thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bị thay đổi.

Cụ thể, ngày 29/9/2008 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 18/2008/QD-UBND; trong đó quy định hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao 60m2 đất ở hoặc nhà ở.

Tuy nhiên, ngày 29/9/2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại ban hành Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND nhằm thay thế Quyết định số 18 kể trên.

Theo Quyết định số 108 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đối với cá nhân bị thu hồi đất được tính bằng 5 lần giá đất nông nghiệp, không còn quy định hỗ trợ bằng đất như Quyết định số 18.

Nhưng khi áp dụng chính sách đền bù mới vào thực tế lại vấp phải sự phản đối của đa số các hộ dân. Phần lớn các hộ dân Tân Triều vẫn muốn nhận 60m2 đất ở vì cho rằng như thế có lợi hơn nhận hỗ trợ bằng tiền.

Vẫn theo ông Quyền, do chính sách thay đổi như vậy nên trong cùng một dự án chỉ có 161/414 hộ được bố trí tái định cư, số hộ còn lại áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng tiền là 810.000 đồng/m2.

Cùng một dự án nhưng tại xã Tân Triều đã có hai chính sách được áp dụng nên nhiều ngày nay người dân Tân Triều vẫn gửi đơn đi nhiều nơi để tìm sự công bằng.

Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì, cho biết nguyên nhân của việc 253 hộ còn lại không được nhận hỗ trợ bằng đất mà phải nhận bồi thường bằng tiền là do không có đơn đăng ký nguyện vọng lấy đất. Hơn nữa những hộ được hỗ trợ bằng đất ở là chính sách đền bù từ trước năm 2014.

Còn sau mốc thời gian đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn chính sách hỗ trợ bằng đất khi thu hồi đất nông nghiệp nên phía Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì dù muốn cũng không thể giao đất dịch vụ cho người dân tại dự án Tây Nam Kim Giang.

“Hiện tại Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cũng đang rất cố gắng báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan xem xét tháo gỡ, đáp ứng nguyện vọng của người dân,” ông Hoàng thông tin thêm.

Dùng dằng đi-ở

Những ngày Hè năm 2020, tâm trạng của nhiều hộ dân thôn 2, xã Hồng Kỳ (tiếp giáp cổng chính của bãi rác Nam Sơn) càng chộn rộn hơn.

Họ đang bị vận động, yêu cầu phải di dời khỏi mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình để dành đất mở rộng bãi rác Nam Sơn thêm 500m tính từ chân tường rào của bãi.

Khu vực giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn bán kính 500m . (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Thôn 2 có 255 hộ dân thuộc diện di dời, song đến nay chưa ai nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng về đất ở. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thành phố Hà Nội đang áp dụng giá đền bù đối với đất thổ cư tại thôn 2 là 4,08 triệu đồng/m2. Còn đất vườn liền kề có giá đền bù là 500.000 đồng/m2. Hiện, người dân bày tỏ băn khoăn về đơn giá đền bù trên.

Bí thư Chi bộ thôn 2 Nguyễn Thanh Kỳ cho biết phần lớn người dân ở đây đều có diện tích đất thổ cư lớn. Nhiều gia đình được cấp “sổ đỏ” tới 2.000 m2 đất thổ cư.

Trong khi đó, chính quyền thành phố chỉ tính đền bù cho người dân có 400m2 (hạn mức đất ở tối đa cho phép), số diện tích còn lại tính giá đất vườn liền kể, trồng cây lâu năm.

“Nếu tách bạch rạch ròi ra như vậy thì đa số dân chúng tôi dành hết cả tiền đền bù đất thổ cư, ruộng vườn cũng chưa đủ mua một suất tái định cư. Vậy sau giải phóng mặt bằng chúng tôi sống thế nào ?” Bí thư Chi bộ thôn 2 trăn trở.

Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, có hơn 1.100 hộ dân thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng dành đất mở rộng bãi rác. Đến nay huyện Sóc Sơn đã chi trả tiền đền bù, hỗ trợ hoa màu và đất nông nghiệp được hơn 90% số hộ.

Còn về đất thổ cư, mới chỉ dừng ở bước lập và công khai phương án đền bù chứ chưa chi trả được cho hộ dân nào. Trong khi đó, thành phố Hà Nội đặt ra yêu cầu với huyện Sóc Sơn là đến thời điểm tháng 7 năm nay hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác.

Theo Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, dự án giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn thuộc diện được thành phố Hà Nội dùng ngân sách để đền bù cho các hộ dân của ba xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn.

Đến hết năm 2019, các ngành chức năng của thành phố mới chỉ giải ngân được 500 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng bãi rác lớn nhất Thủ đô này. Do không đảm bảo tiến độ giải ngân giải phóng mặt bằng bãi rác nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả thành phố.

Chính phủ nhận định, giải phóng mặt bằng đang là thủ phạm “bóp nghẹt” việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ở Hà Nội mà đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Vì chưa có mặt bằng "sạch" nên nhiều dự án, công trình chưa thể thi công, khiến phát sinh nhiều hệ lụy từ đội vốn đầu tư, ách tắc giải ngân vốn, giảm hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục