Luật Thủ đô phải phản ánh đặc thù của Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô, trong đó có không xây mới khu công nghiệp, một số trường, bệnh viện.
Chiều 15/9, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô cần thực sự mang tính đặc thù.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Ví dụ: Không xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường, bệnh viện, không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành.

Về không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô, dự thảo nhấn mạnh cả cảnh quan đô thị và nông thôn với yêu cầu đảm bảo không gian xanh chung của Thủ đô.

Dự thảo cũng có quy định riêng nhằm tạo điều kiện để Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và trên thế giới.

Về quản lý giao thông vận tải, cơ chế, chính sách đặc thù là giao hội đồng nhân dân thành phố ban hành quy định về thu phí lưu thông một số phương tiện (dự kiến là xe máy và ô tô) ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Do yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù ở Thủ đô, dự thảo cũng cho phép ủy ban nhân dân thành phố trình Thủ tướng quyết định thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong lĩnh vực tài chính, dự thảo Luật quy định ba nội dung quan trọng nhằm tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô bao gồm: Giao Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế tài chính đặc thù nhằm huy động các nguồn lực, đặc biệt là về đất đai để đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô.

Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác làm cơ sở xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Hội đồng nhân dân thành phố có thẩm quyền quy định mức thu phí cao hơn nhưng không quá ba lần so với mức chung của cả nước trong hai lĩnh vực là môi trường và giao thông vận tải ở khu vực nội thành.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Cần xác định rõ mục tiêu ban hành Luật là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô, chứ không phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù gắn với mô hình chính quyền tự quản, chẳng hạn như việc xác định Thủ đô là đơn vị hành chính đặc biệt, danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô…

Tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội, tuy nhiên Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa trách nhiệm với Trung ương và các địa phương khác.

Theo Ủy ban Pháp luật, những cơ chế, chính sách đặc thù phải được xây dựng dựa trên đặc điểm Hà Nội là Thủ đô của cả nước.

Các vấn đề như đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… là vấn đề đặt ra đối với tất cả các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội. Hầu hết các cơ chế mới chưa phản ánh được tính đặc thù cho riêng Hà Nội.

Cùng với việc đặt ra cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng “mở” hơn so với các địa phương khác, thì cần phải đặt ra các quy định mang tính ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cũng cần cân nhắc việc có nên quy định quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và không thống nhất với các luật khác hay không để bảo đảm hạn chế thấp nhất sự phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, cũng chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách có tính ổn định lâu dài; hạn chế những quy định mang tính định hướng, chung chung, khó triển khai thực hiện.

Tán thành về nguyên tắc việc quy định những cơ chế, chính sách đặc thù với tinh thần cả nước hướng về Thủ đô nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, trong 20 chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong dự thảo, có những cơ chế, chính sách không có gì mới hơn, khác hơn so với các địa phương khác, chưa hoàn toàn là đặc thù cho riêng Hà Nội. Riêng chính sách, cơ chế tài chính là rất quan trọng để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển nhưng cần quy định rõ trong thời hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, nên đặt ra những vấn đề thực sự đặc thù, khác với các địa phương khác, nếu quy định như dự thảo thì chỉ cần thay tên Thủ đô bằng một địa phương khác thì cũng không có gì quá khác biệt; loại trừ những chính sách mang tính chất chung chung.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, đã là đặc thù thì cần có thời hạn, không nên quá mở rộng nhiều loại cơ chế đặc thù, sẽ gây chồng chéo và có thể làm mất tính thống nhất của ngân sách.

Đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và đồng tình với nhiều ý kiến khác, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng, cần làm nổi bật những điểm thực sự đặc thù của Thủ đô nhưng không được trái Hiến pháp, trái với những luật khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi ủng hộ những quy định về cơ chế, chính sách đối với giáo dục bởi Hà Nội có trách nhiệm phải quy hoạch hệ thống đào tạo của mình để trở thành một trung tâm đào tạo có chất lượng cao, xứng tầm quốc gia, ngang tầm khu vực và thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

Đề cập việc tìm ra những đặc thù của Thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần xuất phát từ quan điểm lâu nay không ai phủ nhận được: Hà Nội là trái tim của cả nước. Hà Nội là thành phố có đông dân cư sinh sống, nhiều khách quốc tế tới làm việc, du lịch, người dân nhiều nơi về học tập, chữa bệnh… kéo theo những vấn đề về ăn uống, sinh hoạt.

Hà Nội còn là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia - điểm đặc thù không nơi nào có được; Có các cơ quan trung ương, bộ, ban, ngành, đại sứ quán các nước, trụ sở người nước ngoài làm việc trên địa bàn…

Nhiều vấn đề vừa mang tính chất vừa Trung ương, vừa là của Hà Nội, làm sao phân cấp rõ, quản lý phối hợp chặt chẽ. Hà Nội còn là trung tâm lớn về văn hóa, trung tâm lớn về khoa học giáo dục (kinh tế), giao dịch quốc tế, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, là hạt nhân của các vùng kinh tế-xã hội. Đó là chưa nói Hà Nội còn là bộ mặt của quốc gia. Việc xây dựng con người Việt Nam ở Hà Nội như thế nào cũng là vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Phải chăng, cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội chủ yếu là về quản lý đô thị? Cần xác định trách nhiệm của Thủ đô đến đâu, các cơ quan, bộ ngành, các cơ quan quốc tế, người dân Thủ đô đến đâu thì mới tìm ra được những điểm đặc thù cho Hà Nội.

Chủ tịch nhấn mạnh thêm: phải coi Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, không thể giống như các thành phố, địa phương khác./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục