Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.
Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê…
Tuy nhiên, để Luật Thống kê hướng tới đảm bảo cung cấp thông tin thống kê kịp thời và xác thực, theo dự kiến, chiều nay 20/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê để hiểu rõ hơn về nội dung này.
- Bà có thể đánh giá tổng quan những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Luật Thống kê?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Luật Thống kê 2015 gồm 9 chương, 72 điều và 1 phụ lục là danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.
Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường.
[Nghiên cứu, xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật Thống kê]
Cùng với đó, chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện; thông tin thống kê ngày càng đầy đủ, sát với thực tế diễn biến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Cùng đó, ý thức chấp hành pháp luật thống kê của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng ngày càng được nâng cao...
Một trong những điểm mới của Luật Thống kê 2015 so với Luật Thống kê 2003 là tăng cường các quy định về sử dụng dữ liệu hành chính nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê.
Thực tế, những năm qua, việc khai thác cơ sở dữ liệu hành chính, điển hình như: khai thác dữ liệu từ ngành thuế, hải quan (Bộ Tài chính) hay dữ liệu đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng thu thập thông tin của ngành thống kê.
Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện Luật, sự phối hợp giữa cơ quan thống kê Trung ương với thống kê các bộ, ngành có những bước tiến đáng kể. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký quy chế chia sẻ thông tin thống kê với 11 bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thuế, Trường đại học kinh tế Quốc dân…
Thực hiện Luật Thống kê, nhiều bộ, ngành đã rà soát và xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phục vụ nhu cầu quản lý của bộ, ngành theo từng lĩnh vực. Cùng với đó, hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, huyện, xã cũng được ban hành và thực hiện giúp cho việc chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp hiệu quả.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những thành tựu mới, như: ứng dụng công nghệ điều tra bằng thiết bị điện tử thông minh (CAPI), điều tra trực tuyến (e-form); tích hợp dữ liệu trên hệ thống, sử dụng công nghệ chuỗi khối trong truy xuất chăn nuôi, sử dụng đồ họa trong phổ biến thông tin thống kê...
Cụ thể, trong Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam đã triệt để ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong tất cả các quy trình của tổng điều tra. Điều này đã được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá cao và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tổng điều tra dân số tại nhiều phiên họp quốc tế.
Chất lượng thông tin thống kê ngày càng được nâng lên, đã và đang đóng góp tích cực vào việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Luật Thống kê còn tồn tại một số bất cập như: danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, phản ánh kịp thời các hiện tượng, kinh tế-xã hội đã phát sinh và phổ biến trong đời sống xã hội; một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây…
Vì vậy, thời gian qua, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
- Xin bà cho biết khái quát một số nội dung sửa đổi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất Chính phủ trình Quốc hội chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay.
Từ đó, bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước; phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Cùng với đó, đảm bảo số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho chỉ đạo, điều hành.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn, nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Cụ thể, là sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); rà soát về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Cùng với đó, thay thế phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.
- Bà nêu cụ thể hơn đối với việc thay thế phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Có thể nói, việc thay thế phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chính là “linh hồn” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Mục đích sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm thông tin thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia căn cứ Điều 18, Luật Thống kê là: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.
Bên cạnh đó, căn cứ vào yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và quản lý điều hành, chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế-xã hội ở tầm vĩ mô; phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số...
- Xin cám ơn bà!