Luật sửa đổi về phòng chống HIV/AIDS được thông qua với đồng thuận cao

Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua dự luật trong một kỳ và là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.
Người dân đọc thông tin tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chiều 16/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý.

Thông thường, các dự luật được Quốc hội xem xét, thảo luận trong một kỳ họp. Sau đó, Chính phủ và cơ quan soạn thảo hoàn thiện, tiếp thu, giải trình, rồi Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp sau đó. Luật sửa đổi lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp - kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, với tỷ lệ 91,29% đại biểu Quốc hội (100% đại biểu có mặt bỏ phiếu) đồng ý.

[Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Thông qua 4 Luật, 2 Nghị quyết]

Đây là "kỷ lục," lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ và là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.

Tiếp theo sẽ là việc xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, và tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.

Dưới đây là một số thông tin về Luật:

1. Mục đích

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

2. Quan điểm:

a) Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

b) Khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật,đồng thời cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước tađể tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

c) Bảo đảm quyền của người nhiễm HIV.
d) Khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

đ) Thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng đến cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

e) Bảo đảm tính dự báo, thích ứng với các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

3. Các nội dung cơ bản:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách (1) Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và (02) Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng…

a) Sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ: “Xét nghiệm HIV”, “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” và “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

b) Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. (Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật HIV 2006).

c) Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).

d) Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thu phí theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay, tránh quy định mang tính hình thức là miễn phí nhưng không khả thi. Đồng thời, chỉnh sửa tên một số cơ quan, tổ chức của nhà nước có thay đổi so với trước. (Khoản 3, 7 Điều 12 và Điều 18 của Luật HIV 2006)…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục