Theo đại diện PetroVietnam, không ít ý kiến cho rằng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã cơ bản lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý; việc phân cấp, phân quyền đã được thể hiện rõ trong dự thảo, thế nhưng, tranh chấp trong hoạt động dầu khí được xử lý ra sao, vẫn chưa thể hiện rõ.
[Sửa đổi luật để mở rộng cánh cửa cho ngành dầu khí Việt Nam]
Cụ thể, dẫn ý kiến các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp này cho hay việc chồng lấn mỏ dầu với dự án khác như dự án điện gió ngoài khơi có thể xảy ra, song, cơ chế xử lý tranh chấp như thế nào cũng chưa rõ.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất lớn. Từ kinh nghiệm thực tiễn, dự thảo Luật cần xác định rõ, trao quyền đến mức nào thì được chấp nhận và không gây ra xung đột quá lớn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo Luật đã phân loại tranh chấp, nhưng quan trọng nhất là tranh chấp giữa nước chủ nhà và công ty dầu khí nước ngoài.
Để giải quyết mọi bất đồng hoặc tranh chấp giữa nước chủ nhà và Công ty dầu khí nước ngoài thì theo truyền thống, các bên quy định trong hợp đồng giải quyết bất đồng thông qua thương lượng và hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành thì một trong hai bên hoặc cả hai bên sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài, mà thường là trọng tài quốc tế.
Bên cạnh đó, trong hợp đồng dầu khí luôn có Điều khoản xử lý tranh chấp và luật áp dụng. Các nước chủ nhà thường luật áp dụng gồm các nguồn luật của Luật nước chủ nhà, các nguyên tắc lớn của luật pháp quốc tế và tập tục lành mạnh trong công nghiệp dầu khí.
Để hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh, theo các chuyên gia, cần áp dụng một giải pháp tổng thể như: Lựa chọn đối tác thận trọng; đàm phán và soạn thảo một hợp đồng công bằng và thỏa đáng cho cả hai bên; tôn trọng cam kết, thiện chí hợp tác trong thực hiện hợp đồng.
Mặt khác, khi tranh chấp phát sinh thì thiện chí thương lượng, hòa giải. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết tranh chấp trước trọng tài: tham gia tích cực các giai đoạn tố tụng trọng tài và tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.
Mặt khác, Dự thảo Luật cần được sửa đổi theo hướng khuyến khích minh bạch thông tin, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định, thỏa thuận quốc tế nhằm sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển bền vững quốc gia. Đồng thời, quy định rõ ràng về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, xử lý việc giải quyết tranh chấp một cách đồng bộ, nhất quán với pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan./.