Luật Sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Luật Sở hữu trí tuệ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, đặc biệt luật hóa cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
(Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (sau đây gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”).

Sau 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định ở cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng... chưa tạo được động lực thực sự cho việc tạo ra, khai thác và thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, chưa bảo đảm sự thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), ngay sau kỳ họp này, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ cùng với các đơn vị liên quan đã tích cực sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 ngày 15/2/2022.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5, Quốc hội đã nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật để hoàn thiện và ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sẽ chính thức hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, về một số nội dung quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được thông qua.

- Xin ông cho biết các chính sách lớn về sở hữu trí tuệ được sửa đổi trong lần này nhằm mục tiêu gì?

Ông Đinh Hữu Phí: Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, đặc biệt luật hóa cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP...

[Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ]

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được thông qua tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn gồm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Đoàn đại biểu Quốc hội biểu quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Một trong những nội dung quan trọng và nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, thu hút được nhiều sự quan tâm, ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện này về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

- Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua lần này bổ sung quy định về chỉ dẫn địa lý đồng âm, quy định này nghĩa là như thế nào? Liên quan đến chỉ dẫn địa lý, Luật Sở hữu trí tuệ không sửa nhiều về chỉ dẫn địa lý nhưng lại bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chỉ dẫn địa lý, việc bổ sung này nhằm mục tiêu gì?

Ông Đinh Hữu Phí: Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý giống nhau về cách viết hoặc phát âm dùng cho các sản phẩm có nguồn gốc địa lý khác nhau, thường là ở các quốc gia khác nhau. Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng đã được đề cập trong Hiệp định TRIPS (Điều 23).

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, nhưng trên cơ sở các quy định về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ) và các trường hợp loại trừ không bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ), có thể hiểu rằng chỉ dẫn địa lý đồng âm vẫn có thể được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt được với nhau.

Tuy nhiên, để cho rõ ràng, Luật đã bổ sung quy định về chỉ dẫn đồng âm theo hướng mọi chỉ dẫn địa lý đều có thể được bảo hộ (không đặt ra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với chỉ dẫn địa lý), có nghĩa là hai chỉ dẫn địa lý giống nhau (cách viết hoặc phát âm) đều có thể được bảo hộ nếu chỉ dẫn đúng về nguồn gốc địa lý và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Liên quan đến chỉ dẫn địa lý, Luật Sở hữu trí tuệ không sửa nhiều về chỉ dẫn địa lý nhưng lại bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chỉ dẫn địa lý bởi trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý được các cấp các ngành quan tâm.

Chăm sóc vải chín sớm xuất Nhật tại 1 hộ gia đình ở xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên( Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 100 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Một số sản phẩm cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như vải thiều Lục Ngạn (được bảo hộ ở Nhật Bản) cho thấy chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Vì vây, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã quy định rõ về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trình tự, thủ tục, tuy nhiên quản lý chỉ dẫn địa lý như thế nào thì dường như chưa có quy định nên việc bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm tạo cơ sở để Chính phủ quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý như các vấn đề liên quan tới ban hành văn bản hay quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý, nội dung quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý (đâu là nội dung mang tính chất quản lý tài sản, đâu là nội dung mang tính hướng dẫn tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, quyền và trách nhiệm của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý... ).

Việc quy định cụ thể hơn về quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý, kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng chỉ dẫn địa lý vì hiện nay có tình trạng sử dụng chỉ dẫn địa lý, sử dụng địa danh tràn lan, không kiểm soát được.

- Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với việc chuyển đổi số, vấn đề bảo vệ quyền trên môi trường số thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Phí: Liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số quy định về các quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng liên quan đến môi trường số như truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác...

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền; trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, theo đó bổ sung quy định trường hợp các doanh nghiệp này được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cũng như trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi xâm phạm liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

-Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục