Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã đưa việc nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách thành một khoản riêng của Điều 94.
Theo đó, khoản 1, Điều 94 của Dự thảo Luật Giáo dục về “Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục” nêu rõ: “Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.”
Quy định nhà nước chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục không phải là điểm mới. Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về giáo dục yêu cầu ngân sách chi cho giáo dục đào tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 29/NQ-TW nêu rõ: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách."
[Không đưa triết lý giáo dục thành mục riêng trong Luật Giáo dục]
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên việc chi 20% ngân sách cho giáo dục được đưa vào trong luật. Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009, Điều 102 về “Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục” chỉ quy định chung: “Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, đảm bảo tỷ lệ tăng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước.”
Theo ban soạn thảo, việc bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật Giáo dục nhằm thể chế hóa các Nghị quyết nêu trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ khẳng định và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các bộ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội khi phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Hội đồng nhân dân các cấp khi phê chuẩn dự toán ngân sách của địa phương mình cũng phải bố trí dự toán phù hợp để chi cho giáo dục đào tạo, đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đào tạo.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật Giáo dục sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019./.