Học sinh được ăn bữa trưa đủ dinh dưỡng trong chương trình Mô hình điểm bữa ăn học đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luật hóa dinh dưỡng học đường để phát triển thể chất, tầm vóc người Việt

Theo các chuyên gia, cần có luật riêng về dinh dưỡng học đường để chuẩn hóa bữa ăn học đường, nhằm tận dụng giai đoạn vàng để cải thiện thể trạng, tầm vóc, trí lực người Việt.

Khoa học đã chứng minh 0 đến 12 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển thể chất, quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người vì khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi này. Vì vậy, cần sự chăm sóc đặc biệt cho trẻ em, nhất là dinh dưỡng học đường, cần chuẩn hóa và luật hóa các vấn đề liên quan đến bữa ăn học đường để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với ba nguy cơ về sức khoẻ trẻ em là tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì và thiếu vi chất.

Đây là những vấn đề được các đại biểu thống nhất đặt ra tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II với chủ đề Dinh dưỡng Học đường. Hội thảo do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH. Hội thảo đã quy tụ hơn 300 đại biểu, bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ góc nhìn toàn diện về thực trạng dinh dưỡng và dinh dưỡng học đường tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế. Các ý kiến thảo luận và khuyến nghị từ Hội thảo là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục xây dựng các chính sách và chương trình dinh dưỡng học đường, thực hiện chủ trương, chiến lược phát triển tầm vóc, thể lực, trí lực cho thế hệ tương lai.

Hội thảo có sự tham gia của 300 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế về dinh dưỡng học đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài học quốc tế về không bỏ lỡ “giai đoạn vàng”

Trình bày tham luận tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho hay Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với việc thiếu hụt về dinh dưỡng cho trẻ em khi sau Thế chiến II, kinh tế đất nước kiệt quệ. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã đặt ưu tiên, chú trọng đến bữa trưa học đường.

Năm 1954, Nhật Bản ban hành Luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng. Luật không chỉ chuẩn hóa bữa ăn học đường mà còn chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng cho học sinh. Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này.

Giáo sư Nakamura Teiji chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Việc luật hóa và chuẩn hóa bữa ăn học đường đã góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc người Nhật. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật là 1m72 với nam và 1m58 với nữ trong khi cách đây 50 năm, con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49.

Nhật Bản đã trở thành một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ. Trong đó, dinh dưỡng học đường không chỉ là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Thạc sỹ Josselyn Neukom chia sẻ về chính sách dinh dưỡng học đường tại Mỹ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại Mỹ, dù chưa có luật riêng về dinh dưỡng học đường nhưng theo Thạc sỹ Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx, chính phủ đã đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường.

Bên cạnh đó, việc giáo dục dinh dưỡng cũng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe, từ đó xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh.

“Xiên bẩn mỗi ngày, teo ngay bộ não”

Từ góc nhìn của một chuyên gia khoa học thần kinh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai mang đến hội thảo bài trình bày thú vị với nhiều thông tin bất ngờ về mối liên hệ giữa não bộ và dinh dưỡng.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phương Mai, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng đường ruột chính là “bộ não” thứ hai của con người khi có hệ thống chứa tới 100 triệu nơ-ron thần kinh, sản xuất tới 95% serotonin - hormone quan trọng điều chỉnh cảm xúc. Vì vậy, việc duy trì sức khỏe đường ruột thông qua chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tác động đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ​. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì thường có kích thước hồi hải mã - một cấu trúc quan trọng của não bộ, có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ - nhỏ hơn so với trẻ bình thường.

Với các kết quả nghiên cứu trên, Phó giáo sư Nguyễn Phương Mai cảnh báo việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập với mức giảm khoảng 10% trí nhớ và 20% điểm số đồng thời gây ra các vấn đề về cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm với mức tăng khoảng 51%. Theo đó, bà Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và dưỡng chất để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ​.

Phó giáo sư Nguyễn Phương Mai trình bày về mối liên hệ giữa não bộ và dinh dưỡng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Thế giới có câu ‘a burger a day eats the brain away’, ứng dụng vào Việt Nam có thể dịch là ‘xiên bẩn mỗi ngày, teo ngay bộ não’. Việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ, cảm xúc của trẻ,” Phó giáo sư Nguyễn Phương Mai nói.

Cơ sở thực tiễn từ mô hình điểm

Tại Việt Nam, Phó giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho hay Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2% (mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%) và Tây Nguyên (25,9%). Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm)​.

Phó giáo sư Trần Thanh Dương cho hay trẻ em Việt Nam đang đối diện với ba vấn đề là suy dinh dưỡng, béo phì và thiếu vi chất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Những tình trạng trên dẫn tới nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như: cao huyết áp, bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch…

Phó giáo sư Dương cho rằng cần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và đặc biệt là tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ lứa tuổi học đường vô cùng quan trọng, sẽ góp phần cải thiện tầm vóc của thế hệ trẻ người Việt và giảm mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở người trưởng thành.

Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Phó giáo sư Trần Thanh Dương cho rằng các cơ quan ban ngành cần vào cuộc để hoàn thiện các cơ chế chính sách về dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng học đường. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Đề cho hay mô hình thí điểm đã chứng minh vai trò của dinh dưỡng với sự phát triển tầm vóc của trẻ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra minh chứng cụ thể khi thông tin về Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam. Mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.

Mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học. Can thiệp chính của Mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt và tốc độ tăng chiều cao nhanh hơn so với nhóm trẻ đối sánh. Bên cạnh đó, mô hình góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Bên cạnh dinh dưỡng, Mô hình điểm cũng chú trọng hoạt động thể chất và giáo dục về dinh dưỡng cho giáo viên, học sinh, phụ huynh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đó, Phó giáo sư Nguyễn Thanh Đề kiến nghị nhân rộng mô hình điểm; xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, chuẩn hóa bữa ăn học đường. Theo ông Đề, đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường, đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học.

Luật hóa bữa ăn học đường vì tầm vóc người Việt

Giáo sư Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cho hay trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với chiều cao tăng trung bình khoảng 6,2 cm mỗi năm. Ở lứa tuổi tiền dậy thì, tốc độ tăng trưởng của trẻ nhanh cả về chiều cao, cân nặng: chiều cao trẻ có thể tăng khoảng 8-12 cm/năm. Điều đó cho thấy dinh dưỡng học đường có vai trò rất quan trọng, vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển cơ thể của trẻ vừa đáp ứng được năng lượng cho các hoạt động thể lực và học tập của học sinh.

Vì vậy, đầu tư vào dinh dưỡng học đường một chính sách đột phá để nâng cao tầm vóc cả thể lực và trí lực của trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.

Theo bà Hợp, kết quả mô hình thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo mang lại ý nghĩa thực tiễn cao khi các kết quả nghiên cứu nên được xem xét và sử dụng làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.

Giáo sư Lê Thị Hợp cho rằng Mô hình điểm là căn cứ thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường là rất cần thiết bởi đây là một cách để hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai,” bà Hợp nói.

Cũng theo bà Hợp, Luật Dinh dưỡng học đường là giải pháp bền vững và đồng bộ về các hoạt động về dinh dưỡng học đường. Luật không chỉ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện mà còn giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này. Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh, là cơ sở để tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.

Đại diện cho đơn vị đồng hành, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập- Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cũng bày tỏ sự trăn trở đối với việc cải thiện, nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt và mong muốn sự ra đời của Luật Dinh dưỡng học đường.

Theo Anh hùng lao động Thái Hương, Việt Nam đã có rất nhiều văn bản Luật và dưới luật về chăm sóc sức khoẻ. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng rất quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, chiều cao của người Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi.

Anh hùng lao động Thái Hương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Từ năm 1954, Nhật Bản đã ra Luật Dinh dưỡng học đường và sau 70 năm, người Nhật đã không còn thấp còi nữa. Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao. Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, từ đó cải thiện về tầm vóc, thể lực, trí lực,” Anh hùng lao động Thái Hương nói.

Đưa dẫn chứng thực tế từ bản thân khi chỉ cao 1m50 nhưng nhờ chế độ chăm sóc tốt, con trai vẫn cao 1m83, Anh hùng lao động Thái Hương nhấn mạnh việc các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra 86% chiều cao của con người phát triển ở độ tuổi vàng 0-12 tuổi, 14% phát triển trong giai đoạn 12 đến dưới 25 tuổi và khẳng định sự cần thiết phải có Luật Dinh dưỡng học đường như Nhật Bản.

“Việc đưa ra Luật Dinh dưỡng học đường như Nhật Bản là bao trùm nhất, gồm cả các hoạt động thể chất, quy định về nhân lực, giáo dục dinh dưỡng, đặc biệt là khi chúng ta đã có cơ sở thực tiễn từ mô hình điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai. Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các doanh nhân ở nước ta có nội lực lớn, có tâm, có tầm, đủ bản lĩnh để cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường,” Anh hùng lao động Thái Hương nói.

Với tấm lòng người mẹ và tâm huyết, khát vọng cải thiện chiều cao, thể trạng người việt, Anh hùng lao động Thái Hương nhấn mạnh: “Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi cũng có ước mơ, khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế.”

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại Việt Nam, TH là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan ban ngành từ những ngày đầu xây dựng, triển khai các chương trình dinh dưỡng Quốc gia. Cụ thể: Năm 2013, TH là đơn vị tiên phong trong Chương trình Quốc gia Sữa học đường, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK”.

Đây là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/07/2016, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học.

Năm 2018, Tập đoàn TH phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc tế và công bố “Đề án Dinh dưỡng” người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, trong đó có 2 tiểu đề án triển khai các các hoạt động tổng thể về dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi vàng gồm: Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ; nghiên cứu đề xuất phương án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường.

Trong 6 năm qua, tập đoàn TH đã đồng hành triển khai nhiều nghiên cứu/thực nghiệm để có các căn cứ khoa học bài bản cho tiếp cận chính sách, tiên phong thực thi trách nhiệm doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần 2, các vấn đề về dinh dưỡng học đường tiếp tục được đề cập với các góc nhìn cấp thiết từ thực tế và đưa ra giải pháp, kinh nghiệm quốc tế. Thông qua các hoạt động bài bản này, Tập đoàn TH kiên trì thực hiện sứ mệnh Vì sức khỏe cộng đồng./.

Hội thảo là một trong những nỗ lực của Viện Dinh dưỡng, Tập đoàn TH trong việc thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng đến dinh dưỡng học đường và việc cần thiết có Luật Dinh dưỡng học đường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục