Trước thực trạng trẻ em Việt Nam đang phải đối diện với nhiều nguy cơ về dinh dưỡng – tiềm ẩn phát triển các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành – trong khi vấn đề bữa ăn học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều ý kiến cho rằng cần phải luật hoá bữa ăn học đường để làm cơ sở pháp lý, góp phần hun đúc nên tầm vóc mới cho người Việt.
Nhiều rào cản triển khai những “bữa ăn chuẩn”
Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện ngành giáo dục có nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các vấn đề về dinh dưỡng học đường.
Khó khăn trước hết ở công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết. Công tác truyền thông về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
Đặc biệt, nguồn nhân lực tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học còn thiếu về số lượng và chất lượng, thường là hợp đồng thời vụ, chưa được tập huấn, đào tạo nên năng lực tổ chức bữa ăn học đường còn hạn chế. Dinh dưỡng cần đi cùng với vận động thể chất, nhưng trong các nhà trường vẫn còn tư duy môn chính – môn phụ, trong đó môn Giáo dục Thể chất được xem là môn phụ nên chưa được quan tâm đúng mức, thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến giáo viên có chuyên môn riêng cho môn học này.
Từ việc thiếu nguồn nhân lực sẽ dẫn đến vấn đề xây dựng những bữa ăn chuẩn, đảm bảo dinh dưỡng; triển khai các hoạt động vận động thể lực rất khó khăn, từ đó dẫn đến những khó khăn chung trong công tác dinh dưỡng học đường.
Cũng theo ông Đề, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, việc tổ chức, quản lý, và giám sát bữa ăn học đường, và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế. Các chương trình về dinh dưỡng học đường (như Sữa học đường, Bữa ăn học đường) chưa được thực hiện lâu dài, bền vững và đồng bộ trên cả nước.
“Bữa ăn học đường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh nhưng hiện nay chưa có các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường nên chưa có sự kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm pháp luật,” ông Đề nói.
Chia sẻ những khó khăn này với ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội cho rằng mỗi chiến lược đặt ra phải có nguồn lực để thực hiện. Nguồn lực này từ ngân sách của Trung ương, ngân sách địa phương và cả nguồn lực từ xã hội hóa. “Trong thời gian qua, quan điểm của chúng ta rất rõ và đúng, nhưng thực hiện thì thiếu,” bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, một thách thức lớn khác trong thực hiện các chiến lược là nhận thức về trách nhiệm của từng đối tượng đến đâu, từ chính quyền địa phương đến các bộ, ngành trong quá trình phối hợp.... Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần phải hiểu đúng, hiểu đủ và thấy rõ được trách nhiệm của từng đối tượng mới có thể làm tốt công tác dinh dưỡng học đường.
Nhấn mạnh về vấn đề thiếu nhân lực làm công tác dinh dưỡng trong các nhà trường khi những nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non thường được quan tâm khá ít, cơ chế chính sách cho đối tượng này chưa rõ, bà Hoa khẳng định các cô nuôi đáng ra phải được đào tạo một cách bài bản, thậm chí phải là những người rất giỏi về kiến thức dinh dưỡng. Ở cấp tiểu học, các trường dường như chỉ đang quan tâm nhiều tới việc dạy kiến thức, việc chăm trẻ, chăm sóc bữa ăn cho trẻ chưa được đề cao.
Cần một đạo luật riêng biệt về dinh dưỡng học đường
Trước những khó khăn vướng mắc trên và thách thức về vấn đề dinh dưỡng trẻ em, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng để thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng học đường cần có hành lang pháp lý, phải luật hóa những quy định liên quan tới dinh dưỡng. “Như vậy, chúng ta mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện một cách tốt nhất, đồng bộ nhất những chính sách về dinh dưỡng nói chung cho người Việt, trong đó có dinh dưỡng học đường,” bà Hoa nói.
Đây cũng là một ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Thanh Đề. Theo ông, dinh dưỡng và vận động thể lực là hai yếu tố có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau trong việc phát triển thể lực, sức khỏe và trí tuệ, tầm vóc của học sinh. Ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên giúp hệ miễn dịch khỏe, tăng đề kháng giúp phòng bệnh.
“Tôi kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường. Bộ Y tế tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh với các Chương, mục, khoản quy định về dinh dưỡng học đường. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường,” ông Đề nói.
Cũng theo ông Đề, tiến tới xa hơn nữa cần xây dựng Luật về dinh dưỡng. "Giống như các nước khác, dinh dưỡng học đường đã được đưa vào luật riêng và triển khai rất hiệu quả. Như vậy mới có cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường,” ông Đề khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Thanh Đề, Phó giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho hay để đạt các mục tiêu chiến lược về dinh dưỡng quốc gia mà Chính phủ đề ra đòi hỏi những giải pháp can thiệp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành, trong đó bao gồm sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách về dinh dưỡng. Điều này nhằm thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện; tăng cường phối hợp liên ngành và vận động xã hội; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng.
Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.
Là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống, được xem như một “chuyên gia dinh dưỡng” trong ngành, Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bữa ăn học đường, và trong thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động nhằm mang đến những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.
Tâm huyết với vấn đề cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam, trong đó đặc biệt là vai trò của bữa ăn học đường, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH mới đây đã trực tiếp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc cần thiết phải có luật riêng về dinh dưỡng học đường tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Anh hùng Lao động Thái Hương phân tích, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Báo động về bữa ăn học đường thiếu vệ sinh và mất cân bằng dinh dưỡng
Hàng loạt các vụ việc thực phẩm bẩn, bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục đã gióng lên yêu cầu về cần có quy chuẩn trong bữa ăn học đường.
Sữa tươi là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho “lứa tuổi vàng” này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Và, tại Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025…
“Tập đoàn TH xin đề xuất xây dựng một bộ luật riêng là Luật Dinh dưỡng học đường. Cần phải có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe tầm vóc của thế hệ tương lai. Theo kinh nghiệm các nước đã thành công trong đó có Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng,” Anh hùng Lao động Thái Hương, bày tỏ.
“Để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì ngoài vươn mình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội cần chú ý tới sự “vươn mình” về tầm vóc của người Việt. Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện sứ mệnh của mình cùng gánh vác trọng trách, đóng góp cho sự “vươn mình” về thể lực, chiều cao người Việt”, Anh hùng Lao động Thái Hương từng nhấn mạnh tại buổi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của VCCI và Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam chiều 11/10.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, bàn đến công tác dinh dưỡng học đường có nghĩa đang nói đến giai đoạn có thể quyết định sự trưởng thành về cả trí tuệ, tầm vóc của con người. Vì vậy lỡ quá trình đầu tư hoặc đầu tư sai ở giai đoạn này, cái giá phải trả sẽ nằm ở độ tuổi trưởng thành. Bà Hoa cũng cho rằng khi bàn đến công tác dinh dưỡng học đường không chỉ bàn đến vấn đề sức khỏe thể lực mà cả trí tuệ, tâm hồn.
“Khi trẻ có một thể chất tốt, khỏe mạnh, việc tiếp thu kiến thức cũng sẽ tốt hơn. Như vậy, dinh dưỡng học đường là một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bây giờ chúng ta xác định sự cần thiết này có lẽ hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn vẫn tiếp tục chậm trễ,” bà Nguyễn Thị Mai Hoa thẳng thắn./.