Luật Giáo dục sửa đổi: Tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng giáo dục

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 11/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Luật Giáo dục sửa đổi: Tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Đặng Xuân Phương phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 11/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Cần xem xét các quy định liên quan đến giáo dục mầm non

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục. Đối với quy định về hệ thống cơ sở giáo dục, một số ý kiến cho rằng việc xác định rõ các loại hình cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch, phân loại và áp dụng pháp luật.

Do vậy,các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về các loại hình cơ sở giáo dục; xác định những hạn chế, vướng mắc trong pháp luật và khung chính sách; kết hợp với tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các quy định về hệ thống cơ sở giáo dục phù hợp, bao gồm các quy định về khái niệm, mô hình tổ chức, hoạt động, khung pháp lý áp dụng…

Đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) đề nghị để bảo đảm tính logic hợp lý của hệ thống giáo dục quốc dân, dự án Luật cần làm rõ các khái niệm liên quan như: Cấp học hay bậc học; nhà trẻ và mẫu giáo có phải là hai cấp học khác nhau hay không? Trong giáo dục đại học, đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ là ba cấp bậc học như giáo dục phổ thông hay chỉ là ba loại văn bằng tương ứng với trình độ đào tạo?... Vì vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ cấp học nào tương đương với trình độ gì.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng với ý nghĩa là một đạo luật chung điều chỉnh tổng thể các quan hệ giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, dự án Luật cần tiếp cận, làm rõ hơn nữa mối quan hệ của các chủ thể có liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục và đào tạo; quy định còn chung chung, còn có tính lý tưởng hóa trong điều kiện thực tế.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục mầm non, nhiều ý kiến cho rằng đây là bậc học quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân; đầu tư cho giáo dục mầm non vừa có hiệu quả cao, có tính quyết định đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, vừa giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết về giáo dục mầm non nhằm tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; quy định rõ về chính sách cơ bản của Nhà nước, của xã hội đối với giáo dục mầm non, trong đó có giáo viên mầm non.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) nêu ý kiến thời gian qua, giáo dục mầm non là vấn đề tồn tại nhiều bất cập, yếu kém trong công tác quản lý; tình trạng bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tục xảy ra. Có tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất đặc biệt đặt ra cho nhóm trẻ từ 3-24 tháng tuổi, thiếu trường lớp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... , tuy nhiên nội dung giáo dục mầm non không được xem xét, sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật. Đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.


Tăng cường vai trò chủ động sáng tạo của các trường học

Liên quan đến quy định quản trị của cơ sở giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục. Trong sự đổi mới đó, tự chủ của cơ sở giáo dục cần được hiểu là một quyền tự thân, một chính sách quản lý, công cụ nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường, giúp nâng cao trách nhiệm của nhà trường trước cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội và người học. Cũng có ý kiến đề nghị cần tăng quyền tự chủ đối với đội ngũ giáo viên phổ thông.

Đại biểu Đặng Xuân Phương nêu rõ để giải "bài toán" bảo đảm chất lượng học sinh, khắc phục bệnh thành tích, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan... đều liên quan đến vấn đề: Nhà giáo thiếu quyền tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền tự chủ của nhà giáo.

Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng việc giáo viên không được giao quyền tự chủ để chủ động trong việc đánh giá xếp loại học sinh ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, bị gò ép theo các tiêu chí về thành tích của nhà trường, cũng như mong muốn của cha mẹ học sinh dẫn đến hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp. Việc quá coi trọng thành tích, không chú ý đến thực chất trong chất lượng đào tạo dẫn đến các địa phương buộc phải làm ngơ trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, coi đây như một biện pháp để cải thiện thu nhập cho giáo viên, vừa để bổ túc cho những học sinh tuy xếp loại khá, giỏi mà vẫn không đọc thông viết thạo như báo chí phản ánh thời gian qua. Điều này khiến cho lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đại biểu Đặng Xuân Phương kiến nghị cho phép giáo viên đứng lớp được dạy thêm cho các học sinh yếu kém trong lớp; không bắt buộc dạy thêm đối với học sinh khá và trung bình... Nguyên tắc này sẽ giúp công tác giáo dục trở nên thực chất hơn. Mặt khác, dự án Luật cũng cần có quy định để kiểm soát việc lạm quyền của giáo viên bằng các điều kiện bảo đảm tính công bằng trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, tránh tình trạng thiếu khách quan, trù dập học sinh không học thêm. Ban soạn thảo dự Luật cần nghiên cứu cơ chế trả lương cho nhà giáo dựa theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, dựa trên việc cho phép nhà trường được tổ chức phân loại lớp học theo chất lượng học tập bình quân của học sinh trên lớp hàng năm. Đây là cách làm ở nước ngoài cũng như cơ sở giáo dục ngoài công lập đã áp dụng và đã thu được những kết quả tốt - đại biểu nhấn mạnh.

Nêu quan điểm cần trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) khẳng định để nâng cao chất lượng của giáo dục cần thay đổi các biện pháp quản trị trong trường học phổ thông. Hiện, dự án Luật quy định theo hướng đổi mới biện pháp quản trị trong các trường phổ thông, tăng quyền tự chủ cho các trường này; tuy nhiên, tại nhiều trường, quyền tự chủ mới dừng lại ở mức độ tự bảo đảm các khoản chi.

Nhiều nước trên thế giới đã giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông từ lâu và thực hiện có hiệu quả, vì vậy, khi sửa đổi Luật về giáo dục, cần có các bước đột phá, quy định theo hướng mạnh dạn, trao hẳn quyền tự chủ cho các nhà trường này dưới ba góc độ tự chủ: chuyên môn, tài chính và nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Khi giao quyền, Nhà nước vẫn cần có cơ chế giám sát thích hợp. Đồng thời, dự án luật khi ban hành cần có các quy định có hiệu lực, cụ thể hóa, cần điều chỉnh các văn bản dưới luật đối với nội dung trên.

Không đồng tình với việc này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) tranh luận quan điểm này cần xem xét vì, bởi, dự án Luật có quy định liên quan đến đến vai trò, vị trí của Hội đồng trường, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của trường. Nếu hoạt động của Hội đồng trường, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của trường không minh bạch, đi chệch hướng, nhà nước rất khó can thiệp và điều tiết. Bên cạnh đó, Hội đồng trường, Hội đồng quản trị của trường có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Hiệu trưởng; nếu xảy ra trường hợp lợi ích nhóm, có thể dẫn đến hiệu trưởng được lựa chọn để phù hợp với lợi ích nhóm; nếu quan điểm Hiệu trưởng trái với Hội đồng trường, Hiệu trưởng đó có thể bị bãi nhiệm... Hiện, đa phần các trường phổ thông chưa chuẩn bị nguồn lực, cơ chế tài chính để tự chủ; nếu giao quyền hoàn toàn sẽ không khác gì việc "đem con bỏ chợ."

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc tự chủ là cần thiết nhưng chủ yếu là bậc đại học, đối với phổ thông việc đổi mới cơ chế quản lý được thực hiện theo hướng tăng cường vai trò chủ động sáng tạo của các trường học.

Luật Giáo dục sửa đổi: Tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Băn khoăn về chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm

Liên quan đến quy định về chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) nêu ý kiến: Dự án Luật thay quy định hiện hành là miễn học phí thành quy định cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên để đóng học phí, sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải hoàn trả khoản vay này.

Quy định này nhằm mục đích tránh sử dụng lãng phí ngân sách nhà nước và điều tiết hiện trạng nhiều học sinh, sinh viên vào trường sư phạm dẫn đến tình trạng thừa cục bộ giáo viên. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến hệ lụy: Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sẽ trả khoản vay này như thế nào và cơ quan tín dụng phải đi theo để thu hồi khoản vay này... Đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc vấn đề này một cách cẩn trọng.

Theo đại biểu Bùi Ngọc Chương, vấn đề đặt ra là cần có chính sách thích hợp để thu hút được học sinh khá, giỏi vào các trường sư phạm, chính sách đối với sinh viên sư phạm và giáo viên để thu hút được đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đóng góp cho chất lượng giáo dục. Do đó, cần nắm sát nhu cầu thực tiễn để các trường tuyển sinh học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu mà không bị thừa giáo viên hoặc thiếu việc làm sau khi ra trường.

Đồng tình với việc tiếp tục ưu đãi, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên ngành sư phạm và chuyển hình thức miễn học phí sang tín dụng, để tránh lãng phí ngân sách , tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tuyến (Tiền Giang) tỏ ý băn khoăn về tính công bằng của chính sách tín dụng này. Đại biểu lưu ý trường hợp sinh viên sau tốt nghiệp không xin được việc làm trong ngành giáo dục, buộc lòng phải làm việc khác không theo nguyện vọng, ...nhất là khi hiện nay chưa đảm bảo được tốt việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng chính sách tín dụng trên chưa phải là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết triệt để vấn đề chất lượng ngành sư phạm. Theo đại biểu Phan Thái Bình, quy mô đào tạo năm 2017 là 105.462 sinh viên, số sinh viên tốt nghiệp năm 2016 thất nghiệp là 19%. Trường cao đẳng là 49 trường, quy mô đào tạo năm 2017 là 43.972 sinh viên, số sinh viên tốt nghiệp năm 2016 đến nay chưa có việc làm sau 12 tháng là 18%. Chưa kể 41 trường trung cấp sư phạm với hơn 13.551 sinh viên đào tạo quy mô năm 2017. Như vậy, sinh viên học chính các trường đại học sư phạm ra trường chưa có việc làm còn tỷ lệ rất lớn.

Việc miễn học phí sinh ra mâu thuẫn mất công bằng, vay tín dụng vì nếu đặt vấn đề vay tín dụng với không có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập và không thể trả khoản vay tín dụng. Không trả khoản vay tín dụng, nguy cơ phát sinh nợ xấu rất cao; ai sẽ trả khoản tiền này cho các ngân hàng? Đại biểu đề nghị thay bằng hình thức cho vay tín dụng nên xét học bổng ưu đãi dành cho sinh viên, thắt chặt đầu ra và chỉ nên sử dụng sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo sư phạm chính quy. Như vậy mới đảm bảo về chất lượng cho ngành giáo dục.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải trong thực tế, Bộ đã chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường có điều kiện tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, đối với sinh viên được quy định theo hướng: xác định nhu cầu sử dụng ở các địa phương theo chương trình sách giáo khoa mới gắn với đào tạo để từng bước đào tạo gắn với sử dụng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến để các quy định của dự án Luật vẫn đảm bảo được hiệu quả, công bằng, tạo được động lực cho các học sinh giỏi vào ngành sư phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục