Luật Giáo dục nghề nghiệp: Mở “cánh cửa” mới cho đào tạo nghề?

Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được thông qua không chỉ gây tranh cãi về việc cơ quan nào sẽ quản lý trường trung cấp, cao đẳng mà còn đặt ra kỳ vọng có cơ chế cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Luật Giáo dục nghề nghiệp: Mở “cánh cửa” mới cho đào tạo nghề? ảnh 1Các hệ thống trường trung cấp, cao đẳng sẽ được thống nhất. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Luật Giáo dục nghề nghiệp (trước đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Điểm nổi bật của luật này chính là việc thống nhất hai hệ thống trung cấp và cao đẳng lại thay vì chia ra hai Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng quản lý như trước đây. Việc thống nhất này đã đặt ra câu hỏi rằng nên giao Bộ nào quản lý hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước?

Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần xem xét nghiêm túc những cơ hội mà Luật Giáo dục nghề nghiệp đem lại để sửa chữa những yếu kém của đào tạo nghề hiện nay.

Đơn vị nào nên quản lý đào tạo nghề?

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, việc thống nhất hệ thống trường trung cấp và cao đẳng sẽ do Bộ nào quản lý đã gây nhiều tranh cãi. Tỷ lệ bình chọn của các đại biểu Quốc hội không có sự chênh lệch lớn nên cũng không đưa ra được quyết định cuối. Cuối cùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định trong Luật Dạy nghề hiện hành là: “Giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này”.

Nói về lịch sử quá trình phân công cơ quan quản lý về đào tạo nghề ở Việt Nam, Tiến sỹ Horst Sommer, Giám đốc chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” (TVET,) người đã có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ đạo tạo nghề Việt Nam cho biết, lĩnh vực đào tạo nghề ở Việt Nam đã được di chuyển ba lần và đặt ở ba vị trí khác nhau.

“Trước đây, đào tạo nghề được đặt riêng bên cạnh Bộ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo cũ) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau đó nó được chuyển về Bộ Đại học. Tuy nhiên, sau khi dạy nghề được đưa về Bộ Đại học vẫn gây tranh cãi rất nhiều, nhiều ý kiến cho rằng đào tạo đại học là đào tạo những người học lý thuyết, không liên quan đến thực hành. Mặt khác, khi ta nói đến đào tạo nghề là nói về lao động tay chân nên phải đưa về những nghề liên quan tới lao động, chính vì thế đào tạo nghề đã chuyển về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,” ôn Tiến sỹ Horst Sommer nói.

Theo Tiến sỹ Horst Sommer thì đào tạo nghề nên tiếp tục để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nước vì đào tạo nghề phải gắn với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đồng tình với quan điểm của ông , giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp và giáo dục cho rằng có lẽ vẫn nên giữ sự phân công như hiện nay. Tức là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ quản lý các trường trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, còn các trường cao đẳng, trung cấp khác thuộc hệ thống quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này cũng đỡ bất hợp lý hơn là giao tất cả cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi thực hiện quản lý nhà nước.

“Theo tôi thì bệnh nào thì chữa bằng thuốc đó. Nếu cơ quan nhà nước quản lý các trường dạy nghề mà chưa hiệu quả thì phải làm thế nào củng cố bộ máy quản lý cho tốt. Thậm chí quản lý chưa tốt thì phải thay cán bộ quản lý đi chứ không phải vì bộ này quản lý chưa tốt thì chuyển sang bộ khác được,” giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh

Không ủng hộ việc giữ nguyên việc phân công quản lý đào tạo nghề như hiện nay, tiến sỹ Vũ Quang Thọ Viên trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) lại cho rằng đã nói tới giáo dục thì nên để cho một bộ chuyên ngành làm, đây là mô hình mà nhiều quốc gia phát triển đã làm chứ không phải riêng Việt Nam. Một việc mà giao cho nhiều cơ quan cùng làm sẽ dẫn tới kém hiệu quả.

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Mở “cánh cửa” mới cho đào tạo nghề? ảnh 2Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chưa mở cánh cửa đến doanh nghiệp

Bên cạnh việc thống nhất hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng đang gây tranh cãi thì các chuyên gia cũng quan tâm đến việc Luật Giáo dục nghề nghiệp có thực sự tạo nên những cơ hội thay đổi mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề hiện nay.

Đào tạo nghề từ một số năm gần đây được đánh giá là  không thoả mãn yêu cầu của thị trường do đào tạo không gắn với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp.  Thế nhưng theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết thì Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được thông qua vẫn chưa có quy định gì khắc phục được tình trạng đào tạo không gắn liền với thực tế. 

“Một trong những quy định giúp cải thiện tình hình này là xây dựng cơ chế liên thông đào tạo giữa doanh nghiệp với các trường nghề. Tuy nhiên, quy định này trong dự thảo luật rất chung chung, chưa có gì đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Đây là điểm yếu của luật và điểm yếu của công tác đào tạo,” giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết nói.

Luật không thể bắt buộc các doanh nghiệp đóng góp cho đào tạo nghề. Chính vì vậy, theo các chuyên gia thì Nhà nước phải tạo ra cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thấy rằng nếu hợp tác đào tạo với trường nghề và trường đại học thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi qua chính sách thuế, đất đai…

“Có một thực tế không thể chối cãi là sự cần thiết của doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Thế nhưng vấn đề ở đây là cách họ tham gia như thế nào? Họ tham gia họ phải có tiếng nói chứ không phải đơn thuần là Bộ nói rằng doanh nghiệp phải tham gia thì họ tham gia, cần phải có nhưng quy định, cơ chế cho sự tham gia của doanh nghiệp,” Tiến sỹ Horst Sommer nhấn mạnh

Theo Tiến sỹ Horst Sommer, sửa đổi luật lần này là cơ hội để mở ra những “cánh cửa” mới cho đào tạo nghề. Thế nhưng triển khai luật như thế nào là cũng sẽ là thách thức trong 2-3 năm tới khi Việt Nam ban hành những thông tư, nghị định thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp./.

Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp. Xung quanh luật này, việc nên giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được lấy ý kiến.

Kết quả, trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, 99 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, 96 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và có 27 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) ý kiến khác./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục