Tiếp tục Chương trình làm việc, ngày 30/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đọc Tờ trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Mục tiêu cụ thể của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là tiếp tục làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực, vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức, quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi gồm 10 chương, 213 điều, trong đó sửa đổi 60 điều; bãi bỏ 2 điều, 5 khoản và 2 điểm; bổ sung 1 chương và 8 điều.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết về đăng ký doanh nghiệp lần sửa đổi này sẽ bãi bỏ 2 thủ tục, gồm Thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn góp vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn trong trường hợp góp vốn bằng máy móc, thiết bị, tài sản.
[Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11]
Thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn sẽ không tính vào thời hạn (90 ngày) phải góp đủ vốn điều lệ doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty, nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.
Đáng chú ý, quy định về doanh nghiệp nhà nước cũng được sửa đổi. Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để bao gồm hai loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi sẽ tiếp tục tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; tạo thuận lợi, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Cho ý kiến về vấn đề công ty cổ phần quy định trong luật, đại biểu Quỳnh Thư, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, còn một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Đại biểu đề nghị pháp luật phải có quy định rõ hơn, đó là cổ tức này có thể chi trả bằng nhiều hình thức nhưng sẽ do đại hội cổ đông quyết định và lựa chọn, có thể bằng tiền, có thể bằng cổ phần chứ không áp đặt bằng cổ phần.
Nhiều công ty hiện nay chi trả bằng cổ phần gây bất bình đẳng, không minh bạch trong quản lý ở công ty cổ phần.
Nêu ý kiến về hộ kinh doanh, các đại biểu cho rằng đây là một chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, quy định hiện hành, bộc lộ một số khiếm khuyết như hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…
Chính những hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh và không phát huy được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào Luật là cần thiết và đúng với xu thế phát triển, qua đó tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển và tạo ra môi trường bình đẳng vì một mặt tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, một mặt sẽ giúp họ minh bạch hơn chứ không thể để các hộ kinh doanh ở Việt Nam đóng góp 30% GDP mãi thô sơ thế này được mà phải nâng cấp lên.
"Muốn tham gia thị trường thế giới thì doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thì cũng phải quốc tế hóa, minh bạch, bởi đó là yêu cầu đầu tiên đối với các chủ thể kinh doanh" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh./.