Sáng 29/11, tại hội trường Quốc hội, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Trao đổi với phóng viên ngay sau khi dự án luật được Quốc hội thông qua, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Thế Toản nhấn mạnh Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo hành lang pháp lý rõ hơn, nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nhiều điểm mới bám sát thực tiễn
- Đầu tiên xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội khóa XV thông qua?
Ông Mai Thế Toản: Địa chất và Khoáng sản đã kế thừa các quy định đang phát huy hiệu quả của Luật Khoáng sản năm 2010; cũng như bãi bỏ các quy định bất cập; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.
“Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội
Thực trạng "chảy máu" và lãng phí tài nguyên khoáng sản không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa sạt lở, đe dọa khu dân cư, đẩy gánh nặng lên “vai” xã hội.
Đặc biệt, luật đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị và điều tra điều kiện địa chất khác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.
Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, luật phân chia khoáng sản thành các nhóm I, II, III và IV nhằm xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản nhóm IV cung cấp vật liệu cho các trường hợp đặc biệt (phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công…) không phải thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Luật cũng đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện. Các thủ tục hành chính trong luật đã được rà soát, đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục giải quyết như: Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).
Về đóng cửa mỏ khoáng sản, luật đã nêu rõ đóng cửa mỏ khoáng sản là hoạt động nhằm đưa toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khai thác.
Ngoài ra, luật phân định 4 trường hợp khác nhau và cách tiếp cận thứ bậc từ chặt chẽ đến đơn giản về quy trình, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản như: Các trường hợp phải có phương án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ; trường hợp không phải lập đề án hoặc phương án đóng cửa mỏ nhưng vẫn phải có quyết định đóng cửa mỏ; trường hợp không phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.
Luật cũng bổ sung một số điểm mới khác như: Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển…
“Cởi trói” chính sách, trao quyền cho địa phương
- Như ông đề cập, Luật Địa chất và Khoáng sản hiện có rất nhiều điểm mới. Vậy những điểm mới trên sẽ giải quyết được những vấn đề lớn nào trong hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản từ thực tế hiện nay?
Ông Mai Thế Toản: Việc Quốc hội ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được nêu tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường...”
Việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản cũng để đồng bộ với hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013 và năm 2024, Luật Xây dựng năm 2014 và năm 2020, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Đa dạng sinh học năm 2018, Luật Tài nguyên nước năm 2023...
Bên cạnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc như: Việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ.
Cục Khoáng sản Việt Nam phản hồi về loạt bài khoáng sản của VietnamPlus
Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý mà Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản đã “cởi trói” những chính sách đã không còn phù hợp và khơi thông nguồn lực đặc biệt là việc khoáng sản nhóm IV. Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, phân nhóm khoáng sản, luật quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của luật.
Bên cạnh đó các dự án, công trình, hạng mục công trình, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này, không phải thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép môi trường,… nhưng phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm IV, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này. Đây là một trong các nội dung quan trọng nhất của luật để bảo đảm tiến độ thi công các công trình đầu tư công khẩn cấp.
Ngoài ra, luật phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư; dự án nghỉ dưỡng để đồng bộ thẩm quyền và cải cách hành chính so với quy định hiện hành…
Thống nhất nhận thức, đưa luật đi vào cuộc sống
- Vậy để đưa Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản nhằm khai thác tối đa, đảm bảo bền vững khoáng sản quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, theo ông, các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện những giải pháp cụ thể gì?
Ông Mai Thế Toản: Để đưa Luật Địa chất và Khoáng sản đi vào cuộc sống, theo tôi, thứ nhất là cần phổ biển pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Thứ hai là cần kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực.
Thứ ba, các địa phương cần chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm. Trong đó, cần ưu tiên thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....).
Đại biểu Quốc hội kiến nghị sử dụng tối ưu đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản để sử dụng thay thế cho cát sông làm vật liệu thông thường.
Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ.
Cùng với đó, thời gian tới cần phải gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan).
Trân trọng cảm ơn ông!./.