Luật Đầu tư-PPP: Cần đảm bảo có sự công bằng giữa công và tư

Trong phiên họp ngày 26/5, Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và lấy ý kiến đại biểu quốc hội về nội dung dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nguồn vốn Nhà nước là từ ngân sách, song nguồn vốn tư nhân là ‘tiền túi’ bỏ ra, do đó dự thảo Luật nên có những quy định sự đảm bảo sự cân bằng về lợi ích giữa công và tư, như với doanh nghiệp tư nhân có thể được hoàn vốn đầu tư ban đầu trong trường hợp không trúng thầu công trình.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế trao đổi với báo chí bên lề quốc hội về một số nội dung dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phiên họp ngày 26/5, Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội về nội dung dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Quan điểm của tôi, dự án Luật phải đảm bảo tạo ra môi trường đầu tư công khai, minh bạch và hoàn thiện được những bất cập của Luật hiện hành. Việc đa dạng hóa nhiều loại hình đầu tư, như đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư PPP nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội và tập trung nguồn lực. Đặc biệt là đầu tư các dự án trọng điểm, mà trọng điểm ở đây có tính chất đột phá.

Vừa qua, Luật Đầu tư đã mở rộng được một số nội dung, thông thoáng hơn về chủ trương chính sách, như về cấp phép doanh nghiệp, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xúc tiến đầu tư, chuẩn bị nguồn vốn… cũng công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, giữa đầu tư của tư nhân với đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước cần phải có sự công bằng và rõ ràng hơn. Ví dụ, nhà đầu tư tư nhân sẽ phải bỏ ra nguồn vốn rất nhiều, còn đầu tư của Nhà nước là từ ngân sách, song tư nhân không trúng thầu công trình thì không có ai đảm bảo nguồn vốn đã bỏ ra của họ. Theo tôi nghĩ cũng phải tính toán lại trong đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội:

- Theo ông cần phải làm gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án PPP?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Các cơ quan chủ quản của Chính phủ cần phải nghiên cứu đối với các dự án, từ giai đoạn đầu tư tiền dự án với các nhà loại hình doanh nghiệp bỏ vốn vào thì phải công bằng như nhau. Doanh nghiệp xúc tiến xây dựng một cái cầu, một tuyến đường và họ phải bỏ ra nguồn vốn ban đầu (như báo cáo tiền khả thi, thiết kế sơ bộ…) song nếu không trúng thầu thì phải đề nghị phải hoàn lại nguồn vốn đó, tuy nhiên hiện nay trong Luật chưa có đề cập đến nội dung này. Đây là một trong các khâu khi tiếp xúc cử tri có nêu ra những băn khoăn về nội dung này.

Ngoài ra, về vấn đề đảm bảo nguồn vốn, chất lượng công trình cũng như tiến độ cần cũng phải có những chiến lược. Trong thực tế, một số doanh nghiệp gọi là trúng thầu nhưng lại đi thuê lại nhà thầu khác.

Vừa qua, cơ quan quản lý vừa chuyển đổi với một số dự án đầu tư đường cao tốc từ đấu thầu nước ngoài sang đầu tư trong nước, do đó cần phải có những tiêu chí thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh vào những công trình trọng điểm. Ví dụ, Dự án Sân bay Long Thành đã được Quốc hội quyết 5 năm nay nhưng vẫn chưa triển khai được do gặp nhiều vấn đề về chính sách. Bên cạnh đó, thủ tục đấu thầu hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn, trong đó một số nội dung cần phải nghiên cứu cho sát với thực tiễn. Bởi, cơ chế đầu tư càng phát triển càng có nhiều tác động trong xã hội, tạo công ăn-việc làm, tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường hấp dẫn cả đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.

- Với dự án cao tốc Bắc-Nam, Chính phủ xin chuyển từ tám dự án đầu từ PPP sang dự án đầu tư công, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Tám dự án đường cao tốc phía Đông, Quốc hội đã cho chủ trương khá lâu rồi, nhưng có những vấn đề khách quan các nhà đầu tư công-tư không muốn vào, song thu hút đầu nhà đầu tư nước ngoài thì mắc phải những yếu tố về an ninh quốc phòng. Vấn đề ở đây, việc thu nguồn vốn cho đường cao tốc này phải cân đối lại

Bên cạnh đó chưa có Luật Đầu tư PPP nên các doanh nghiệp rất sợ rủi ro về chủ trương chính sách. Ngoài ra, điều kiện đầu tư đòi hỏi giá thành khá lớn do chủ yếu đi các tuyến miền núi, tuyến khó khăn. Vì vậy, thu hút vốn tư nhân vào các dự án này là rất khó.

Chính phủ đã nhìn thấy điều đó, tôi đồng tình với quan điểm chuyển dự án sang đầu tư công, vì đây là tuyến huyết mạch, lợi ích cho dân sinh, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, thông thường hàng hóa đồng thời tránh được quá tải cho đường Quốc lộ 1 như hiện nay.

Nhưng để đảm bảo cho chất lượng của công trình, Chính phủ cần đưa ra những tiêu chí để thu hút các doanh nghiệp mạnh tham gia thi công tuyến đường này, trong đó chú trọng đến thời điểm hoàn thành. Hiện nay có tình trạng các dự án đầu tư công đấu thầu xong, mặc dù nguồn vốn thì có song thời điểm lại quá kéo dài. Quan trọng trách nhiệm là của cơ quan chủ quản, mà cụ thể là Bộ Giao thông vận tải và sự giám sát tại các tỉnh có các tuyến đường này đi qua./.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục