Luật đấu giá tài sản sẽ hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, dự thảo Luật đấu giá tài sản nêu rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong các quá trình đấu giá nên sẽ hạn chế việc "quân xanh, quân đỏ."
Luật đấu giá tài sản sẽ hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ” ảnh 1Đại biểu Nguyễn Trường Giang. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Sáng 24/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản. Trong đó, có số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Bên lề hành lang kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu, tại sao phải ban hành Luật đấu giá tài sản?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Hiện nay, việc đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17 năm 2010 của Chính phủ. Sau gần 6 năm, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết việc thi hành Nghị định này, có tờ trình và Dự thảo Luật đấu giá tài sản trình Quốc hội khóa 13 cho ý kiến lần đầu.

Tại kỳ họp lần này, trên cơ sở thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội khóa 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, báo cáo giải trình Quốc hội thảo luận.

Qua xem xét thảo luận cũng như báo cáo giải trình tiếp thu, tôi thấy có nhiều vấn đề từ việc tổng kết thi hành Nghị định 17 của Chính phủ đã được cân nhắc đưa vào dự thảo Luật.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu giá trước đây đã có tình trạng “quân xanh, quân đỏ.” Vậy, Luật này ra đời có hạn chế tình trạng trên không, thưa ông?


Đại biểu Nguyễn Trường Giang:
Dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục đấu giá, tách các vấn đề trước, trong và sau quá trình đấu giá; việc niêm yết đấu giá, xử lý tiền đặt trước, hủy kết quả đấu giá….

Đặc biệt, trong dự thảo nêu rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong các quá trình đấu giá, cụ thể với từng đối tượng tham gia như đấu giá viên, hội đồng đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá… Dự thảo luật cũng có phần xử lý vi phạm và sau này Chính phủ sẽ căn cứ vào hành vi bị cấm và hành vi quy định trong Luật sẽ ban hành Nghị định xử phạt trong lĩnh vực đấu giá.

Tôi hy vọng các quy định đó cùng các quy định công khai minh bạch khách quan đã được quy định trong dự thảo luật sẽ hạn chế được việc “quân xanh, quân đỏ” như thực trạng vừa qua xảy ra.

- Trong dự thảo Luật đấu giá tài sản có một điều có quy định đấu giá nợ xấu với Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), nhưng có ý kiến cho rằng như vậy là thiên vị với đơn vị này. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Việc đấu giá tài sản do VAMC hiện đang thực hiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 53 của Chính phủ và là một trong nhiều phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà VAMC nắm giữ.

Các tài sản và khoản bảo đảm, nợ xấu và VAMC mua được theo Nghị định số 53 và đưa vào phương án 1 của dự thảo luật có hai hình thức: bán đấu giá theo thỏa thuận; bán đấu giá theo phương thức bằng các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.

Tôi cho rằng, dự thảo luật đưa ra một trong những nguyên tắc là tính khách quan, công bằng, trung thực, công khai và độc lập. Do đó, trong trường hợp VAMC thực hiện đấu giá tài sản mà không theo thỏa thuận sẽ không thể chế hóa, cụ thể hóa được nguyên tắc được đặt ra là tính độc lập, khách quan.

- Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Nguyễn Trường Giang chia sẻ những vấn đề xung quanh Luật đấu giá tài sản.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục