Luật Đất đai: Thống nhất quy định về đất sử dụng cho phát triển rừng

Việc sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Người dân xã Pha Mu, huyện Than Uyên tham gia bảo vệ, phát triển rừng. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Đất đai là tư liệu sản xuất chính trong sản xuất lâm nghiệp, nhưng hiện nay hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp chưa cao, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người trồng rừng, bảo vệ rừng.

Luật Đất đai 2024 sẽ đưa việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp theo nhu cầu của thị trường, nâng hiệu quả sử dụng đất, thu nhập, đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; trong đó, có những chính sách tác động đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Nhưng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giảm rủi ro và phức tạp pháp lý đối với các hoạt động lâm nghiệp, cần thiết phải hệ thống hóa, sửa đổi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp, đồng bộ với những thay đổi của luật.

Luật có nhiều nội dung mới cần hoàn thiện chính sách, quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai phục vụ cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cần sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: cả nước, cấp tỉnh và cấp huyện.

Đồng thời, phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Cùng với đó, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gấp 15 lần) hạn mức giao đất lâm nghiệp' xây dựng chính sách cho doanh nghiệp thuê rừng.

Đồng thời, cho phép sử dụng một phần diện tích để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp tập trung quy mô lớn.

Việc sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Để Luật Đất đai phát huy hiệu quả, ngành lâm nghiệp cần hoàn thiện cơ chế thu hồi đất lâm nghiệp theo quy định.

Việc thu hồi đất lâm nghiệp phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư và được tiến hành một cách minh bạch và công khai.

Điều 79 của luật quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nhà nước thu hồi đất trong 32 trường hợp thật cần thiết.“Việc quy định chi tiết 32 trường hợp thu hồi đất là một bước tiến lớn, chi tiết, liệt kê rõ ràng, cơ bản đầy đủ trong thực tế, đảm bảo sự minh bạch, cụ thể hóa, khắc phục được tính chất chung chung tại các quy định hiện hành.

Đồng thời, tạo thuận tiện cho các cơ quan thực thi, dễ xác định trách nhiệm, chế tài nếu làm sai, người dân dễ theo dõi, giám sát; phòng ngừa tình trạng lợi dụng thu hồi đất bừa bãi, địa phương áp dụng luật thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu,” ông Tiến cho hay.

Theo ông Tiến, ngành lâm nghiệp cần tranh thủ môi trường thuận lợi này để phát triển nhanh khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung, quy mô lớn, trồng, bảo tồn gen cây đặc sản và dược liệu giá trị cao.

Để sớm phát huy những điểm tích cực mà Luật Đất đai đã mở ra, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp đảm bảo hiệu lực thi hành từ 01/4/2024 theo Điều 248 của Luật Đất đai 2024.

Đây cũng là những điều có tác động lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 248 của Luật Đất đai đã sửa đổi 9 điều có liên quan trong Luật Lâm nghiệp; trong đó, có những vấn đề cần sớm hoàn thiện như: quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tiêu chí các dự án quan trọng để chuyển đổi mục đích sử dụng; cơ sở để thu hồi đất lâm nghiệp…

Để sử dụng đất kết hợp đa mục đích, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí được sử dụng đất lâm nghiệp vào các mục đích thương mại, dịch vụ, trồng dược liệu… nhưng không làm thay đổi đất lâm nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, hiện nay một số khái niệm, địa giới về đất lâm nghiệp còn có độ vênh nhất định, khi so sánh dữ liệu giữa ngành nông nghiệp với ngành tài nguyên môi trường.

Ông Nguyễn Bá Ngãi kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu bổ sung các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong đó, thống nhất quy định về mã các loại đất lâm nghiệp và quy định cụ thể về đất sử dụng cho mục đích bảo vệ, phát triển rừng.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết đơn vị sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn để thực hiện hiệu quả Luật Đất đai 2023 và Luật Lâm nghiệp để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như phát triển giá trị đa dụng của rừng để bảo đảm cuộc sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục