Luật đặc khu kinh tế sẽ tạo ra “sân chơi mới” với thể chế vượt trội

Các đặc khu kinh tế được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế; đồng thời sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, chính sách ưu đãi đặc biệt.
Một góc cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngay trước thềm Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/5, Kỳ họp dự kiến sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính Kinh tế đặc biệt, Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” đã diễn ra sáng 18/5, tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Luật Đơn vị hành chính Kinh tế đặc biệt hay còn gọi là Luật Đặc khu được xây dựng với 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế; đồng thời sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, chính sách ưu đãi đặc biệt và chưa có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này.

“Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Xây dựng dự án Luật Đặc khu là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên khi xây dựng phải thận trọng, cập nhật với thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Trong quá trình thực tế, nếu cần bổ sung hoàn thiện thì sẽ bổ sung hoàn thiện,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho biết, các khu công nghiệp đã trở thành công cụ chủ chốt để đổi mới chính sách và cải cách kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

[Thủ tướng: Phú Quốc phải đi trước trong 3 đặc khu hành chính kinh tế]

Mặc dù các khu công nghiệp được thiết kế, triển khai tốt và đem lại lợi ích rõ ràng, nhưng vẫn có rủi ro gắn liền với việc phân mảnh trong môi trường pháp quy, lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi và quản trị các đặc khu kinh tế.

Do vậy, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để xây dựng và thu hút đầu tư vào các đặc khu, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần xác định nhà đầu tư sẽ là yếu tố quyết định đảm bảo cho sự thành công của các đặc khu kinh tế này trong tương lai.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến mạnh mẽ nhằm thu hút các nhà đầu tư; đồng thời tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện căn bản hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước…

“Dự kiến khi được thông qua, Luật Đặc khu với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển 3 đặc khu, tạo sự lan tỏa, tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội cũng như thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam,” Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục