Sáng 8/6, trả lời phóng viên TTXVN bên lề Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, chiều 7/6, Quốc hội đã tổ chức cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý lại dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành có liên quan.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, do còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên Quốc hội tổ chức cuộc họp, mời Chính phủ và đại diện các cơ quan để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp. Về các nội dung cụ thể được chỉnh lý, tiếp thu, đại biểu Bùi Văn Xuyền không thông tin, cho biết còn chờ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi trình ra Quốc hội.
Nêu quan điểm cá nhân, đại biểu này cho rằng nên thông qua dự án Luật trong kỳ họp này bởi một đạo Luật thường một kỳ cho ý kiến, một kỳ thông qua. Với dự án Luật này, dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ, tất cả các bộ, ngành của Chính phủ đều vào cuộc.
Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, khi đưa ra thảo luận, cho ý kiến, các đại biểu đều đồng tình ủng hộ rất cao. Sau kỳ họp, Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật đã họp với nhau nhiều lần để chỉnh sửa liên tục theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học... Ủy ban Pháp luật đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân để chắt lọc lại, tiếp thu tối đa. Đến nay, cơ bản đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ.
[Thủ tướng: Điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý]
“Việc chỉnh sửa rất nhiều, rất gọn. Đến nay tôi cho rằng được rồi. Đây là Luật mới, làm xong rồi, sau này tổ chức thực hiện như thế nào thì phải làm đã mới biết được, tất nhiên phải rất cẩn trọng. Chỗ nào ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri nêu thấy cần phải chỉnh sửa cho chặt chẽ, tránh hậu quả sau này thì phải sửa. Nhưng có những cái mình chưa mường tượng hết được, phải tổ chức thực hiện đã. Luật do Quốc hội ban hành nên Quốc hội có thể chỉnh sửa,” đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
“Nếu để lại cũng thế thôi và có nghiên cứu, bổ sung được gì không, vì học tập kinh nghiệm nước ngoài đi hết rồi. Tôi cũng được đi sang Thổ Nhĩ Kỳ thăm các khu tự do và thấy họ làm rất nhanh, cứ làm rồi sửa. Nhà đầu tư đến họ cứ mời chào, tạo điều kiện tối đa về thủ tục trình tự đầu tư, thuế...,” theo đại biểu.
Ông cho rằng các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện nay các ưu đãi đã đến mức độ bão hòa, phát triển chậm lại nên làm Luật này nhằm tạo ra mô hình kinh tế, tổ chức bộ máy, hành chính, quản lý Nhà nước mới, mang tính chất thử nghiệm, tạo cực tăng trưởng mới, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm, nếu hiệu quả để có thể mở rộng ra.
Nói về vấn đề cho thuê đất, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, khả năng phần nhiều là ban soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ giảm thời hạn cho thuê đất/giao đất xuống 70 năm, như các khu kinh tế khác hiện nay và như Luật Đất đai hiện hành.
“Đại biểu đã ý kiến rồi và giờ tiếp thu thì tinh thần, dù chưa chính thức nhưng chắc sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu thôi, là quy định 99 năm sẽ bỏ, duy trì cao nhất là 70 năm, như quy định của Luật Đất đai. Chính phủ thì chắc cũng như thế thôi”, đại biểu nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng việc rút thời hạn cho thuê đất xuống như vậy, đặc khu không còn “đặc biệt” trong quy định về đất đai nhưng vẫn còn những quy định vượt trội về ưu đãi thuế và cơ chế thông thoáng về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh.
“Môi trường sản xuất kinh doanh cũng như cơ chế tư pháp nhanh gọn, thông thoáng, phù hợp thông lệ quốc tế đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đấy là cái quan trọng nhất và Chính phủ cũng xác định đó là những yếu tố quan trọng nhất chứ còn ưu đãi về thuế, về đất đai không phải là mấu chốt. Các nhà đầu tư chiến lược đến nay cũng bày tỏ họ không quan tâm nhiều đến những ưu đãi mà quan tâm tới môi trường đầu tư, tức cơ chế chính sách phải thông thoáng, nhanh gọn, minh bạch và đảm bảo cho yêu cầu sản xuất kinh doanh đặt ra. Khi có vấn đề tranh chấp về dân sự, kinh tế thì được giải quyết một cách nhanh gọn, không kéo dài,” đại biểu cho hay.
Ông cho biết, theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, ban soạn thảo đã cố gắng xây dựng theo hướng cạnh tranh được với các đặc khu ở châu Á, các đặc khu xung quanh chúng ta.
“Chúng tôi cũng phải tính toán cả rồi và khi Quốc hội thảo luận có ý kiến của cử tri, nhân dân là các chính sách quá cao thì có thể phải hạ xuống, cái nào chưa thực sự vượt trội thì có thể xem xét nâng lên. Nhưng trước mắt, tôi cho rằng, các cơ chế chính sách đến lúc này cũng là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Còn trong quá trình làm thì Chính phủ, Quốc hội cũng xác định là sẽ phải sửa đổi Luật cho phù hợp với từng giai đoạn,” đại biểu nhìn nhận.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, trong 10 năm làm đặc khu cũng sửa 6 lần. Cầu toàn, luật ban hành xong thực hiện ổn định lâu dài thì không phải, vì bản chất của kinh tế là diễn biến, thay đổi rất nhanh, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những thay đổi về khoa học công nghệ diễn ra rất nhanh, yêu cầu về công tác quản lý cũng phải đổi thay và theo đó những thiết chế trong luật cũng phải điều chỉnh./.