Đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, loại bỏ các quy định gây cản trở gia nhập thị trường và bổ sung những chính sách hỗ trợ... là những yếu tố được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn đến hoạt động của các hợp tác xã.
Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được sửa đổi.
Phù hợp thực tiễn
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực từ 1/7/2013 được đánh giá tạo tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những tồn tại cần được nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn như việc hợp tác xã gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường hiện nay còn gặp nhiều rào cản; chưa bảo đảm nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập và rút khỏi hợp tác xã; quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý hợp tác xã còn chưa phù hợp.
['Chính sách quản lý kinh tế tập thể, hợp tác xã còn cồng kềnh']
Cùng với đó, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm độ tin cậy; chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước còn lạc hậu, chưa xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác.
Ngoài ra, quy định về tài sản, tài chính của hợp tác xã còn nhiều bất cập; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm; đồng thời, chưa quy định đầy đủ các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác trong thực tiễn.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Quyết định số 799/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (được đổi tên từ Luật Hợp tác xã).
“Theo đó, Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên của các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển,” ông Chí cho biết.
Sau nhiều vòng tham vấn lấy ý kiến của các cơ quan bộ ngành, ông Chí cho biết, nhiều ý kiến đề nghị đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thay vì Luật Hợp tác xã hiện hành.
Lý do được đưa ra là phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh, bao gồm các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động hiện nay là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia.
Các tổ chức có cùng hoặc tương đối giống nhau về bản chất, nguyên tắc tổ chức, quản lý hoạt động phục vụ các thành viên.
Thành viên liên kết, hợp tác dân chủ với nhau trong cùng một tổ chức, nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Các thành viên cùng góp tài sản, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Phương án này cũng tương tự như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp. Các luật này cũng được đặt tên trên cơ sở các loại hình tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác nhau được điều chỉnh trong cùng một luật.
Hoàn thiện các quy định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 5 nhóm chính sách được cụ thể hóa trong Luật Hợp tác xã sửa đổi; đó là nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình Tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện.
Bên cạnh đó là nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hợp tác xã; và nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng việc đổi tên là cần thiết, vì không chỉ hợp tác xã mà các loại hình kinh tế tập thể nói chung cần có luật để điều chỉnh.
Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), cũng cho rằng dự án luật với nhiều nội dung mới xét cả về cơ cấu, khối lượng và nội dung. Đây sẽ là cơ sở pháp lý rất tốt để kinh tế hợp tác xã phát triển.
Cũng theo ông Huệ, nhiều quốc gia trên thế giới có những luật riêng về từng loại hình hợp tác xã, nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay không thể ban hành một loạt các luật, nên có một luật chung để điều chỉnh là tất yếu và phù hợp...
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thực tế đã có sự mất lòng tin trong một số hợp tác xã, nên sẽ cần thêm những nội dung nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hợp tác xã. Trong đó có những nội dung liên quan đến kiểm toán và kiểm toán độc lập chứ không phải kiểm toán nội bộ, bởi kiểm toán nội bộ không đạt được mục tiêu mong muốn và bản thân các hợp tác xã cũng không làm được điều đó.
Ông Phùng Quốc Chí cho biết những quan điểm xây dựng dự án luật gồm bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam trong thời gian tới; kế thừa tối đa các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các Tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới... đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) đưa ra trong thế kỷ 21.
Quan điểm thứ ba là các quy định Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển hợp tác xã ở Việt Nam từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành (năm 2013), đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.
Quan điểm tiếp theo là xây dựng một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng hợp tác xã là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm cuối cùng là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác dự kiến sẽ sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế này, tạo hành lang pháp lý thông thoáng tối đa cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động như bỏ phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký thành lập; giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, từ 7 xuống 5 thành viên đối với hợp tác xã, từ 4 xuống 3 thành viên đối với liên hiệp hợp tác xã; tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài do tổ chức kinh tế hợp tác tự quyết định; tăng cường và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và của chính các tổ chức kinh tế hợp tác để tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký, gia nhập thị trường, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác...
Theo kế hoạch, Dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.
“Mục tiêu cao nhất của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút và phát triển thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế," Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã nhấn mạnh./.