Luật Bảo vệ môi trường: Đổi mới quản lý môi trường với doanh nghiệp

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, song phần đánh giá sơ bộ tác động đối với môi trường của một dự án lại có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/2/2021.
Luật Bảo vệ môi trường: Đổi mới quản lý môi trường với doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là thay đổi phương thức quan lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.

Thay đổi từ tư duy

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua việc thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.

Theo Luật sửa đổi, việc bảo vệ môi trường không chỉ là sự phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm để người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

[Nâng cao chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế]

Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi) tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái, cạn kệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Các dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, nhóm có nguy cơ, nhóm ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.

Chỉ có đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (nhóm 1) mới phải chịu sự đánh giá sơ bộ tác động về môi trường.

Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc nhóm 1 sẽ không phải chịu sự đánh giá sơ bộ tác động về môi trường nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí; không bỏ sót việc sàng lọc đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường  ở mức độ cao.

Các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (đánh giá sơ bộ tác động môi trường - ĐTM, cấp giấy phép môi trường nếu phát sinh chất thải).

Các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường được cấp giấy phép môi trường ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.

[Luật Bảo vệ môi trường: Lộ trình phân loại và 'cân rác']

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi) cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường, giấy phép xả nước thải vào chung một giấy phép môi trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi) không quy định tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện việc quan trắc định kỳ như hiện nay.

Thay vào đó, Luật chỉ quy định những đối tượng có dấu hiệu gian dối trong báo cáo số liệu quan trắc chất thải tự động, liên tục không đúng thực tế; có dấu hiệu vi phạm hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam hoặc khi nguồn tiếp nhận chất thải bị ô nhiễm bất thường thì phải thực hiện quan trắc chất thải trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép môi trường.

Việc quan trắc chất thải để theo dõi, đánh giá quá trình vận hành công trình xử lý chất thải và giám sát hoạt động xả thải của mình là trách nhiệm của doanh nghiệp. Luật khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc quan trắc chất thải định kỳ.

Bảo vệ môi trường nhìn từ một địa phương

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, song phần đánh giá sơ bộ tác động đối với môi trường của một dự án lại có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/2/2021.

Phần đánh giá sơ bộ tác động đối với môi trường của một dự án có năm nội dung:

Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với chiến lược bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

Luật Bảo vệ môi trường: Đổi mới quản lý môi trường với doanh nghiệp ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án.

Nhận diện các yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm.

Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

Xác định những vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những năm qua nhiều địa phương đã áp dụng trên thực tế tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tỉnh Thanh Hóa là một trong số đó.

Lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đi vào nền nếp theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh Hóa đã quy hoạch 5 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và 75 khu xử lý tập trung tại các địa phương.

Đến nay tỉnh đang triển khai thực hiện 3 khu xử lý chất thải rắn trọng điểm và có 42 khu xử lý chất thải rắn đang hoạt động.

Hiện tại, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2.100 tấn/ngày, trong đó 85% khối lượng được thu gom, xử lý bằng hai hình thức chủ yếu là chôn lấp và đốt. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng hơn 1,2 triệu tấn, trong đó 92,5% được tái chế, tái sử dụng.

Từ năm 2014 đến nay 2020, các cơ quan chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại đối với hơn 2.600 cơ sở, doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với gần 2.000 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh việc khai thác trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sông người dân…

Trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 1.122 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 110.000 tỷ đồng và hơn 3,85 tỷ USD, đứng thứ 8 trên cả nước trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài với 132 dự án FDI và tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 14,1 tỷ USD.

Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 233 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư là hơn 131.000 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,72 tỷ USD.

Tỉnh Thanh Hóa quán triệt nghiêm túc chủ trương không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nghi Sơn là một trong những khu kinh tế động lực của cả nước nhưng tại đây trong nhiều năm qua không xảy ra những sự cố môi trường lớn, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp sàng lọc, lựa chọn các dự án có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa quan tâm, trong có việc xả nước thải của các doanh nghiệp. Tại đây có hơn 60 doanh nghiệp đang thực hiện việc xả nước thải ra môi trường.

Những doanh nghiệp có lượng nước xả thải lớn hơn 10m3/ngày đêm đều phải có giấy phép xả thải theo đúng quy trình và các quy định của pháp luật. Một số dự án lớn như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (lượng xả thải mỗi ngày hơn 3.000m3 nước trở lên) đều được trang bị hệ thống quan trắc tự động để theo dõi các thông số về nước thải.

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để giám sát, theo dõi.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp có lượng xả khí thải lớn trong Khu Kinh tế Nghi Sơn như hai nhà máy xi măng Nghi Sơn và Công Thanh cùng Nhà máy Lọc hóa đều phải lắp hệ thống quan trắc tự động về khí thải, duy trì liên tục hệ thống quan trắc này để quản lý, giám sát.

Những cơ sở để xảy ra vi phạm về môi trường tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đều được phát hiện kịp thời và Ban Quản lý đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa xử lý rất nghiêm minh. Bởi vậy, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại đây đều chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục