Luật bảo vệ môi trường chưa được cụ thể, chi tiết

Luật bảo vệ môi trường chưa được cụ thể và chi tiết thành các văn bản dưới luật cho thích nghi và phù hợp đối với từng địa phương.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Bên lề Quốc hội, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các làng nghề hiện nay?

Ông Lê Quang Huy: Qua quan sát cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế còn bất cập, chưa thực sự thường xuyên. Các khu kinh tế ở Việt Nam rất da dạng, khác nhau nhiều về quy mô, hình thức hoạt động, điều kiện phát triển nên những quy định chung cho một mô hình là rất khó khả thi.

Tuy nhiên, có một số khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế Chu Lai đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Nhưng bên cạnh đó có một số khu kinh tế mặc dù là ra đời sau khu kinh tế Chu Lai, trong quá trình đi giám sát tôi thấy cũng đã có vấn đề đáng báo động.

Ví dụ có một số khu kinh tế thu hút các nhà máy thủy điện vào trong phạm vi hoạt động các khu này, các nhà máy điện này sử dụng than để sinh điện rõ ràng là có khói bụi, đấy là những vấn đề chúng tôi cho rằng phải quan tâm. Các nhà máy nhiệt điện này cũng sử dụng nước biển để làm mát. Vậy việc sử dụng nước biển có ảnh hưởng gì tới sinh thái ven bờ của các khu công nghiệp đó không, hoặc là khói bụi, ô nhiễm môi trường đất...

Tôi cho rằng, sự ô nhiễm này ở trong một số khu kinh tế chưa phải là lớn lắm. Nhưng với tốc độ thu hút đầu tư như hiện nay, trong thời gian tới sẽ trở thành những vấn đề hết sức quan tâm.

Còn về phần làng nghề, có những làng nghề thực sự là đáng báo động, ví dụ những làng nghề làm thực phẩm, làng nghề dệt nhuộm mà có sử dụng hóa chất. Những làng nghề này theo tôi cần phải có biện pháp hết sức quyết liệt.

Còn một số làng nghề như mây tre đan, đặc biệt ở khu vực miền Trung đã thu hút được những lao động nông nhàn, người cao tuổi, những em học sinh hết giờ học vẫn có thể làm mà vẫn tạo được thu nhập lại tạo được ra những nét văn hóa độc đáo về văn hóa, đó là những làng nghề nên khuyến khích.

Chúng ta cần phải hết sức quan tâm đến triết lý phát triển bền vững, đó là phát triển về kinh tế, bảo đảm về môi sinh và vấn đề xã hội. Đó là 3 trụ cột lớn cần phải cân đối trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thưa ông, có phải vì sự phát triển, vì công ăn việc làm nên một số khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề ở địa phương đã chấp nhận sự ô nhiễm ngay từ ban đầu không?

Ông Lê Quang Huy: Chúng tôi cho rằng, cũng có một trong những nguyên nhân, tất nhiên không phải tất cả nhưng có một số khu công nghiệp ở một số địa phương có tâm lý là cố gắng thu hút các nhà đầu tư vào để tăng trưởng và có được sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, sự cân đối giữa mục tiêu phát triển với mục tiêu đảm bảo môi sinh chưa được cân đối một cách hài hòa. Chính vì thế có một số hệ lụy mà tôi vừa nêu ở trên.

Trong thời gian qua có một số công ty nước ngoài xả chất độc hại ra môi trường. Vậy ngay từ khâu thẩm định dự án của những công ty nước ngoài này chúng ta có tính đến yếu tố bảo vệ môi trường hay không và làm sao để tránh được tình trạng này?

Ông Lê Quang Huy: Tôi nghĩ các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư thì các quy trình thủ tục của ta cũng tương đối đầy đủ để có thể đảm bảo một mặt chúng ta thu hút đầu tư nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo môi trường nơi mà doanh nghiệp triển khai đầu tư.

Các địa phương nơi mà thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng phải đóng góp vai trò hết sức quan trọng để làm sao hài hòa được mục tiêu vừa thu hút nhưng đồng thời cũng đảm bảo được phát triển bền vững.

Để bảo đảm được như thế thì các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta phải có những hành lang pháp lý rất rõ ràng và cụ thể để có thể xứ lý ngay.

Vậy theo ông chúng ta phải cần có những giải pháp cốt lõi như thế nào để giải quyết vấn đề này?

Ông Lê Quang Huy: Để bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế cũng như là các làng nghề, theo tôi cần tập trung vào một số vấn đề lớn, mà trước hết đấy là hành lang pháp lý. Tôi nghĩ lành lang pháp lý của chúng ta cũng đã có và cũng rất nỗ lực từ Trung ương đến địa phương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc xây dựng hành lang pháp lý này chưa theo kịp sự phát triển, thu hút đầu tư ở các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng như ở các làng nghề.

Ví dụ Luật bảo vệ môi trường của chúng ta chỉ có một điều quy định bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế hoặc là làng nghề thôi chứ nó chưa được cụ thể và chi tiết thành các văn bản dưới luật cho thích nghi và phù hợp đối với từng địa phương.

Đối với các văn bản dưới luật quy định chi tiết các văn bản luật đó thì chúng ta cũng rất nỗ lực, cũng rất cố gắng ban hành trong thời gian vừa qua nhưng tính đồng bộ và tính nhất quán của nó chưa cao.

Vấn đề thứ hai là quy hoạch, quy hoạch các khu kinh tế làm sao thu hút được các nguồn lực để tránh dàn trải. Nếu cần, có thể đưa một số làng nghề vào các cụm hoặc khu công nghiệp.

Thứ ba là đối với các nguồn lực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường cả ở khu kinh tế và khu công nghiệp cũng như làng nghề cần phải hết sức quan tâm. Ví dụ các mục chi ngân sách 1% cho bảo vệ môi trường nhưng thực chất là việc xử lý 1% ngân sách đó và việc đưa 1% vào các cơ sở để chúng ta bảo vệ môi trường, tôi cho là còn rất hạn chế.

Thêm vào đó, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sao cho doanh nghiệp và người dân hiểu để có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho vấn đề môi trường./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục