Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp được đưa ra thảo luận tại Quốc hội đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng, là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ luật này. Theo Bộ Công thương, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội nước ta nói riêng và thế giới nói chung đã mang lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng nhưng cũng làm nảy sinh nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho quá trình phát hiện và xử lý các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết. Với 8 chương, 66 điều, dự án Luật quy định về trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng; tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại, băn khoăn về những điều khoản trong Luật này. Ông Vũ Khắc Thư, Ban pháp chế Tập đoàn Điện lực Việc Nam chỉ ra, Luật chưa đưa ra điều kiện bất khả kháng đối với thương nhân khi mà người tiêu dùng có quyền khởi kiện họ bất kỳ lúc nào. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng có tranh chấp và đưa ra công luận thì doanh nghiệp sẽ chịu tổn thương nhiều hơn. Bởi chưa cần biết đúng sai, trong quá trình doanh nghiệp bị người tiêu dùng kiện cáo là thương hiệu của họ đã bị ảnh hưởng. Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, đại diện đơn vị soạn thảo Luật, cho biết sau khi lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong nước, nội dung Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được cải thiện theo hướng đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía người tiêu dùng và doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài quyền lợi, Luật còn quy định rõ nghĩa vụ của người tiêu dùng, không được lợi dụng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đúng và đầy đủ các hướng dẫn về phương pháp sử dụng hàng hóa, dịch vụ… Ngoài ra, người tiêu dùng phải thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người tiêu dùng, hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Để giảm thiểu các ảnh hưởng gây tổn hại đến thương hiệu của doanh nghiệp, hay chi phí khởi kiện của người tiêu dùng trong quá trình tranh chấp, Luật đã mở rộng các phương thức giải quyết hướng tới sự đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án và các phương thức khác theo quy định của pháp luật. Ông Thư cho biết, các nhà cung ứng dịch vụ lớn sẽ phải sử dụng hợp đồng mẫu. Như ngành điện có hai loại hợp đồng mẫu đối với khách hàng lớn (khách hàng có quyền đàm phán về điều khoản lớn, cơ bản và điều khoản tùy nghi), đối với khác hàng tiêu dùng (Dự thảo Luật nên quy định khách hàng có quyền thỏa thuận về điều khoản tùy nghi). Luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam cũng băn khoăn về quy định phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mẫu hợp đồng theo mẫu, như vậy sẽ phát sinh giấy phép con. Về vấn đề này, ông Bạch Văn Mừng cũng cho hay, trong trường hợp các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, internet, bảo hiểm… thì sử dụng hợp đồng mẫu. Các loại hợp đồng này thường thiên về lợi ích doanh nghiệp, trong khi đó người tiêu dùng lại không nắm bắt được hết những quyền lợi và các yếu tố rủi ro gặp phải khi ký kết hợp đồng. Vì vậy, Dự thảo Luật cũng chỉ ra các qui định cụ thể nhằm hạn chế thiệt hại nghiêng về người tiêu dùng khi các xung đột lợi ích xảy ra. Cụ thể như, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mẫu hợp đồng theo mẫu. Cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, doanh nghiệp hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Theo ông Mừng, ban soạn thảo đã rà soát các mặt hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng đồng thời cập nhật các vấn đề nảy sinh trong quá trình nền kinh tế phát triển và hội nhập, qua đó soạn ra những điều luật có khả năng đáp ứng phù hợp với đời sống thực tế./.
Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 1999. Tuy nhiên sau quá trình thực hiện, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng bộc lộ một số mặt hạn chế.
Theo ban dự thảo, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã bao quát khá chi tiết các vấn đề có khả năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nhiều quy định có tính thời sự và đột phá như nghiêm cấm các hành vi che giấu thông tin, giao dịch không công bằng như qui định cụ thể trách nhiệm sản phẩm, dịch vụ của người cung cấp. Mở rộng quyền cho Hội bảo vệ người tiêu dùng có thể trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp khi thu thập đủ chứng cứ chứng minh lỗi của doanh nghiệp…
|
Di Linh (Vietnam+)