Luật An toàn lao động: Mở rộng đối tượng, tăng chính sách hỗ trợ

Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động vừa được trình Quốc hội cho ý kiến, theo đó dự luật này đề ra quy định mở rộng đối tượng tham gia và đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho các tai nạn lao động.
Luật An toàn lao động: Mở rộng đối tượng, tăng chính sách hỗ trợ ảnh 1Ông Hà Tất Thắng cho biết dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ phát hiện bệnh nghề nghiệp. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động vừa được trình Quốc hội cho ý kiến. Dự luật này đề xuất quy định mở rộng đối tượng tham gia và tăng thêm chính sách hỗ trợ cho các tai nạn lao động. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh những quy định mới của bản dự thảo luật này.

Tăng hỗ trợ cho tai nạn lao động

- Thưa ông, trong dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động có một phần liên quan đến Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang, xin ông cho biết lý do của sự chuyển đổi này?

Ông Hà Tất Thắng: Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không phải vấn đề mới, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, toàn bộ chính sách tai nạn, bảo hiểm nghề nghiệp đã được quy định, người sử dụng lao động phải đóng 1% quỹ tiền lương cho người lao động vào quỹ này và quỹ này do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và điều hành.

Qua đánh giá quỹ những năm vừa qua, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ sử dụng hết 10-11%, còn tồn dư khoảng trên 16.200 tỷ đồng. Như vậy, qua khảo sát thì thấy rằng chính sách hiện nay chưa phù hợp và chưa cho nhiều đối tượng. Chẳng hạn, mức chi hiện này còn thấp, chưa bao quát được hết đối tượng, trong quá trình triển khai, thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nên họ thường tự giải quyết.

Chúng tôi thấy rằng cần phải có những tập trung, sửa đổi vì vậy chúng tôi đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chuyển toàn bộ 20 điều về chính sách chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 sang Luật An toàn vệ sinh lao động.

- Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tồn dư nhiều như vậy thì liệu trong luật mới có đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ người lao động không, thưa ông?

Ông Hà Tất Thắng: Ngoài 20 điều chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội, trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động chúng tôi đề xuất thêm 2 điều chi bổ sung.

Thứ nhất là chi cho đối tượng những người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không còn khả năng làm việc muốn chuyển đổi nghề nghiệp sẽ hỗ trợ 50% học phí để cho họ được học nghề và chuyển sang nghề mới phù hợp hơn, giúp họ tái hoà nhập cuộc sống, đảm bảo quyền lợi.

Thứ hai là quỹ trước đây chỉ giải quyết hậu quả và thường là chi trả trợ cấp thì giờ chuyển sang tích cực hơn là phòng ngừa, tập trung vào công tác tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động biết phòng tránh tai nạn lao động và được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp kịp thời.

Hiện nay, việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp rất ít. Nguyên nhân là do người lao động không muốn phát sinh thêm chi phí và khả năng khám của cơ sở về bệnh nghề nghiệp rất hạn chế. Chỉ có 14/29 bệnh nghề nghiệp được khám, còn nhiều bệnh mà Việt Nam chưa thể khám và phát hiện được. Vì vậy, cần phải có hỗ trợ về khám và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ vẫn là cơ quan quản lý và chi trả quỹ này nên sẽ không phát sinh bộ máy, Luật An toàn, vệ sinh lao động chỉ hướng dẫn về mặt chính sách.

Luật An toàn lao động: Mở rộng đối tượng, tăng chính sách hỗ trợ ảnh 2Lao động không có hợp đồng có thể sẽ được hỗ trợ để tham gia bảo hiểm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần có lộ trình cho lao động không có hợp đồng

- Việc đưa đối tượng lao động không có hợp đồng vào áp dụng Luật An toàn, vệ sinh lao động là điều khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi, xin ông cho biết lý do đưa đối tượng này vào dự thảo luật lần này?

Ông Hà Tất Thắng: Mặc dù trong Bộ luật Lao động năm 2012 đã có quy định, tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đều phải thực hiện và tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa chi tiết, cụ thể, vì vậy dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động lần này có đặt vấn đề phải mở rộng thêm đối tượng không có hợp đồng lao động.

Theo thống kê cả nước có khoảng 53 triệu lao động, trong đó có tới 36 triệu lao động không có hợp đồng lao động, đây chủ yếu là những người tự tạo ra việc làm, những người lao động tự do.

Khi đặt vấn đề xây dựng Luật An toàn, vệ sinh lao động dứt khoát phải quan tâm đến đối tượng không có hợp đồng lao động vì họ cũng là những người lao động, cũng là những người tham gia sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho đất nước, xây dựng xã hội nên phải mở rộng ra đối tượng này.

Tuy nhiên, hiện nay công tác an toàn, vệ sinh lao động chỉ tập trung vào lực lượng có quan hệ lao động đã rất khó khăn nên việc mở rộng sang đối tượng này cần phải tính toán kỹ và có lộ trình để từng bước thực hiện.

- Xin ông cho biết, những hỗ trợ cho đối tượng lao động không có hợp đồng sẽ được quy định như thế nào?

Ông Hà Tất Thắng: Đối với người lao động có hợp đồng lao động thì chủ doanh nghiệp phải lo đóng quỹ tai nạn lao động, bảo hiểm nghề nghiệp bằng 1% quỹ lương và lo trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, lo cải thiện điều kiện làm việc trang bị bảo hộ… Đối với người lao động tự tạo việc làm thì không có người sử dụng lao động, vì vậy nhà nước có thể sẽ phải hỗ trợ một phần và người lao động phải chịu một phần các chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Trong dự thảo quy định, tuỳ theo tình hình kinh tế xã hội của đất nước, Chính phủ sẽ quy định việc hỗ trợ cho người lao động không có hợp đồng lao động cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với người lao động tự do, chúng tôi đang dự kiến cứ 1 triệu người tham gia vào quỹ này thì nếu nhà nước bù đóng 50% thì sẽ bù khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Mặt khác, chúng ta cần tuyên truyền để người lao động tham gia thấy được lợi ích từ việc có hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng, biện pháp làm việc an toàn. Người lao động không có hợp đồng cần hiểu được khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu được nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng các chế độ chính sách như người lao động trong khối có quan hệ lao động.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục