Luân chuyển cán bộ về vùng cao, biên giới để rèn giũa, trưởng thành

Những kinh nghiệm thực tế ở cơ sở đã giúp đội ngũ cán bộ luân chuyển trưởng thành, được người dân yêu quý, tin tưởng và đặt kỳ vọng.
Luân chuyển cán bộ về vùng cao, biên giới để rèn giũa, trưởng thành ảnh 1Anh Sùng A Dinh (thứ 2, từ trái sang), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là cán bộ luân chuyển, gần gũi nhân dân để vận động bà con thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Ở những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Lai Châu và Yên Bái, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn càng đòi hỏi những cán bộ luân chuyển về cơ sở phải nhiệt huyết, bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ hết lòng vì nhân dân.

Những kinh nghiệm thực tế ở cơ sở đã giúp đội ngũ cán bộ luân chuyển trưởng thành, được người dân yêu quý, tin tưởng và đặt kỳ vọng.

Bám cơ sở để hiểu dân

Sau gần 2 giờ đi xe máy từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chúng tôi cũng đến được Ủy ban Nhân dân xã Chế Tạo sau nhiều lần bị ngã xe. Đây là xã đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Mù Cang Chải, do nằm trên địa hình núi cao, cơ sở hạ tầng thấp kém nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015 anh Sùng A Dinh được Huyện ủy Mù Cang Chải luân chuyển về làm Chủ tịch xã Khao Mang và đến tháng 3/2021 anh tiếp tục được điều động về làm Phó Bí thư thường trực xã Chế Tạo, sau đó được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã.

Nói về nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sùng A Dinh chia sẻ: Là cán bộ luân chuyển, khi ở cơ sở điều quan trọng nhất thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó đưa ra được những kế hoạch công việc cụ thể, sát thực tế. Làm sao từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu.

[Lấp chỗ trống “thiếu, yếu” cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn] 

Nhiều hộ dân xã Chế Tạo đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình như hộ ông Giàng Nủ Cha ở bản Háng Tày; ông Sùng Trồng Tếnh, Sùng Nủ Chư ở bản Tà Dông... với tổng thu nhập ước tính trên 200 triệu đồng/năm từ các nguồn thu như bảo vệ rừng, trồng quế, thảo quả, sản xuất nông nghiệp tổng hợp.

Ông Giàng Là Chờ, người có uy tín, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chế Tạo cho biết do trình độ dân trí hạn chế, nên trước đây, đồng bào còn giữ nhiều tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; tỷ lệ học sinh bỏ học cao; kinh tế hộ gia đình thì manh mún, tỷ lệ đói nghèo còn rất cao. Những năm gần đây, diện mạo nông thôn của xã đã thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Điều này thể hiện rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền xã, trong đó có vai trò quan trọng của những cán bộ được luân chuyển về cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái Nông Việt Yên khẳng định cán bộ được điều động, luân chuyển về cơ sở đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các biện pháp lãnh đạo và chỉ đạo trong việc xây dựng củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh tại cơ sở, không có các vụ việc phức tạp, điểm nóng xảy ra.

Cá nhân ông Nông Việt Yên được Tỉnh ủy Yên Bái luân điều động từ vị trí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái về làm Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải vào đầu năm 2019. Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đã có ý tưởng sáng tạo nổi bật là mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” được triển khai vào tháng 6/2019. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Mù Cang Chải sẽ dành thời gian cuối tuần để chia thành các nhóm trực tiếp xuống cơ sở cùng người dân sửa đường, khai hoang ruộng nước, tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình… Sau hơn hai năm triển khai, mô hình đã lan tỏa tới tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ: Với phương châm “sẵn sàng, chủ động đối thoại với nhân dân, lắng nghe dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân,” mỗi cán bộ của huyện Mù Cang Chải chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đồng bào; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, khoảng cách giữa cán bộ, đảng viên với người dân dần được xóa bỏ.

Ở cùng dân để dân tin làm theo

Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Tâm lý của đồng bào dân tộc là tin cán bộ mới làm theo cán bộ nói, vì vậy, đội ngũ cán bộ luân chuyển cơ sở càng phải gần gũi, thân tình như anh em với người dân để thực hiện tốt nhiệm vụ công việc.

Luân chuyển cán bộ về vùng cao, biên giới để rèn giũa, trưởng thành ảnh 2Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) Lỳ Phù Cà điều hành cuộc họp với phương châm gần dân và vì dân. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Vượt gần 250km đường đèo, nhiều khúc cua nguy hiểm từ thành phố Lai Châu đến xã Tà Tổng thuộc huyện biên giới Mường Tè, mặc dù đã qua mùa mưa, nhưng vẫn còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm. Vào tới trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, anh Lỳ Phù Cà (dân tộc Hà Nhì) - Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng vui vẻ đón chúng tôi.

Anh Lỳ Phù Cà cho biết mình được luân chuyển từ Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Tè về xã Tà Tổng gần 2 năm. Tà Tổng là địa bàn giao thông cách trở, đi lại rất khó khăn. Nhìn thấy cuộc sống của nhân dân ở đây còn nhiều vất vả, nhất là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp nên bản thân trăn trở cần phải cống hiến hết năng lực để làm thay đổi bộ mặt miền núi nơi đây.

Nghĩ là làm, Bí thư xã Tà Tổng đã mua đất làm nhà ở ngay tại xã để thuận tiện cho công việc. Ở đây, anh có nhiều thời gian gần dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để từ đó đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với thực tế. Đến nay, người dân trong xã đã thay đổi nhận thức, tập trung chăm sóc những vườn cây ăn quả, cây macca và chăn nuôi gia súc.

Tà Tổng là một trong những xã vùng cao khó khăn nhất của huyện biên giới Mường Tè, có 1.300 hộ dân với hơn 98% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống dân trí thấp, một số bộ phận nhân dân còn nặng về phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu. Từ lâu Tà Tổng được biết đến là “điểm nóng” về tái trồng cây thuốc phiện và ma túy ở tỉnh Lai Châu. Mặc dù được chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, nhưng tình trạng truyền đạo trái phép và tái trồng cây thuốc phiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Ngay từ khi được luân chuyển về xã làm Bí thư Đảng ủy, anh Lỳ Phù Cà đã lên kế hoạch quyết tâm xóa bỏ triệt để hai vấn đề này bằng cách chỉ đạo cán bộ xã phối hợp với bí thư chi bộ bản, trưởng bản, trưởng nhóm sinh hoạt tôn giáo để quản lý chặt chẽ cư dân, người ra vào địa bàn. Cán bộ thường xuyên xuống những bản xa tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện và thực hiện đúng hương ước, quy ước của bản, cam kết không để người dân tái phạm.

Mưa dầm, thấm lâu, với sự kiên trì, quyết liệt của tập thể lãnh đạo, cán bộ xã Tà Tổng, đến nay xã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và tỷ lệ người nghiện không còn nhức nhối, có dấu hiệu giảm đáng kể, nhất là việc sinh hoạt tôn giáo cũng dần được ổn định. Nhiều mô hình cây, con giống mới được hình thành mang lại hiệu quả, nhận thức của người dân cũng dần thay, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Dẫn chúng tôi tới bản Pà Khà, Bí thư Lỳ Phù Cà chỉ tay về phía xa nói: Những vùng đất nằm sâu trong rừng kia, ngày trước người dân chủ yếu trồng cây thuốc phiện. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, người dân đã thay đổi nhận thức, chịu khó làm ăn, chuyển sang trồng lúa, ngô, thảo quả, đời sống dần ổn định hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,8% năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9 triệu đồng năm 2015 lên gần 15 triệu đồng năm 2020.

“Hiện tại, ở điểm Ló Né thuộc bản Pà Khà còn 20 hộ theo tà đạo và truyền đạo trái phép. Đây là khu vực biệt lập, đường vào rất khó khăn nên việc tiếp cận với các hộ dân cũng vất vả. Chúng tôi đang kiến nghị với cấp trên làm đường và kéo điện vào bản, tạo thuận lợi trong việc quản lý, xuống địa bàn, gần dân, sát dân để nắm tình hình nhanh hơn, hiệu quả hơn,” Bí thư Lỳ Phù Cà cho biết thêm.

Luân chuyển cán bộ về vùng cao, biên giới để rèn giũa, trưởng thành ảnh 3Anh Nguyễn Thanh Tùng (bên trái) được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thăm mô hình vườn chanh leo giúp các hộ dân phát triển kinh tế. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Chúng tôi có mặt ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nhìn xa xa là những bản người Mông nơi đây chen lẫn nương ngô, rẫy lúa, chanh leo. Từ một xã khó khăn, địa bàn phức tạp về truyền đạo trái phép và di cư tự do, nay xã Khun Há đã đổi thay, đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2021 trước kế hoạch đề ra. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khun Há Cứ A Sở khẳng định xã vươn lên như hôm nay là nhờ chủ trương đúng đắn của cấp trên khi luân chuyển cán bộ từ huyện về.

Được luân chuyển từ Trưởng phòng Văn hóa huyện Tam Đường về làm Bí thư Đảng xã Khun Há, anh Nguyễn Thanh Tùng đã cùng với cấp ủy, chính quyền có những cách làm sáng tạo để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm. Tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình kinh tế như trồng chanh leo, trồng sâm, địa lan, nuôi ong lấy mật. Chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, phát triển bản du lịch cộng đồng…

Bí thư Đảng ủy xã Khun Há Nguyễn Thanh Tùng hồ hởi cho biết các mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã bình quân hàng năm 3-4%; thu nhập của người dân tăng từ 16 triệu đồng/người năm 2015 lên 36 triệu đồng/người năm 2020.

Mục tiêu đặt ra là xã Khun Há tiếp tục mở rộng diện tích, hướng đến vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và phát triển du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi được coi bền vững để người dân trong xã xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Muốn đạt được kế hoạch, mục tiêu đề ra, bản thân tôi và cán bộ địa phương phải gần gũi dân, tuyên truyền, vận động để dân tin và làm theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục