Lừa đảo mua hàng trực tuyến: Do khách sơ ý hay do lỗ hổng bảo mật?

Hầu hết những trường hợp lừa đảo trực tuyến đều do các đối tượng lấy được thông tin cá nhân của khách hàng, số điện thoại, địa chỉ, đây vốn là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà ở trên thế giới.
Lừa đảo mua hàng trực tuyến: Do khách sơ ý hay do lỗ hổng bảo mật? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Một ngày, khi đang ở công ty, chị Vũ Thùy Trang, sống tại Long Biên, Hà Nội, nhận được một cuộc gọi tự xưng là shipper của shopee đến giao hàng cho chị.

Theo thói quen, chị bảo shipper ném món hàng qua cổng vào sân nhà và gửi chị hóa đơn để chị thanh toán.

Tuy nhiên, đến chiều khi về nhà, chị Trang phát hiện ra không có gói hàng nào ở sân nhà mình. Giật mình kiểm tra lại, chị thấy số tiền shipper nhắn không chính xác hoàn toàn với số tiền đơn hàng chị đã đặt trên shopee mà chỉ chênh vài nghìn.

Bên cạnh đó, số điện thoại nhắn tin cho chị cũng khá lạ, không phải số của các shipper trong khu vực. Khi chị gọi lại cho số kia, đầu kia đã khóa máy.

Muôn nẻo hình thức lừa đảo

Chị Trang, cũng như nhiều nhân viên văn phòng khác, thường có thói quen mua hàng qua mạng. Do công việc không tiện xuống lấy hàng nên chị chọn địa chỉ giao hàng là nhà mình.

Thời gian đầu, chị thường chỉ nhận hàng khi có người ở nhà lấy đồ hoặc nhờ được hàng xóm, nhưng lâu dần khi số lượng mua sắm tăng và có nhiều shipper quen, chị thường nhắn nhân viên giao hàng chủ động thả hàng qua cửa nhà và chuyển khoản thanh toán, và chưa từng gặp vấn đề gì cho đến khi gặp tình huống trên.

Chia sẻ câu chuyện của mình lên một diễn đàn, chị Trang vô cùng bất ngờ khi có thêm nhiều người gặp phải trường hợp giống mình, thậm chí có người còn bị cùng chính đối tượng đó lừa khi đối chiếu số điện thoại.

Các đối tượng này thường giả làm nhân viên giao hàng quen, đến đưa hàng, nói một số tiền bất kỳ, khi khách phát hiện ra con số không chính xác có thắc mắc lại thì đối tượng sẽ trả lời là em nhầm/shop nhầm… Thời gian gọi điện thường là sát giờ trưa khi nạn nhân đang bận bịu không có thời gian kiểm tra kỹ.

Tinh vi hơn nữa, chị Phượng (Đội Cấn) cho biết đối tượng còn từng nhắc đến một lần phải chia nhỏ gói hàng để nhét qua khe cửa nhà chị cho vừa, nên chị hoàn toàn tin tưởng đây chính là shipper của Shopee thường xuyên giao hàng đến cho mình.

[Tài khoản ngân hàng không chính chủ là nguồn gốc lừa đảo trực tuyến]

Tuy nhiên, sau khi không liên lạc được với đối tượng lừa đảo, chị gọi điện cho shipper quen thì người này khẳng định chưa từng kể câu chuyện chia nhỏ hàng hóa đó cho bất kỳ ai.

Một trường hợp lừa đảo khác cũng khá quen thuộc, đó là nhận được hàng, đúng tên, nhưng món hàng bên trong lại bị tráo sang thứ khác.

Đây là hình thức lừa khá cũ nhưng vẫn bẫy được khá nhiều người, đặc biệt với những món hàng có giá trị vừa phải, người bị lừa cũng ngại không muốn mất thời gian đòi lại giá trị tiền.

Đặc biệt, chị Cúc (Giang Văn Minh) cho biết chị còn nhận được chính món hàng chị đã đặt. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó chị lại một lần nữa nhận được chính đơn hàng đó, lúc ấy chị mới biết món hàng chị nhận được trước đó là từ một cửa hàng “fake” và không rõ làm cách nào họ có được thông tin cũng như yêu cầu mua hàng của chị.

Một trường hợp khác, anh Thăng, ở một tòa chung cư trên phố Trung Hòa, Cầu Giấy cho biết hàng hóa ship đến tòa nhà thường được đặt ở một khu vực cho khách qua lấy. Nhưng gần đây, chung cư anh có hiện tượng mất hàng, do các đối tượng từ bên ngoài trà trộn vào lấy.

Lỗ hổng về bảo mật thông tin?

Hầu hết những trường hợp lừa đảo đều do các đối tượng lấy được thông tin cá nhân của khách hàng, số điện thoại, địa chỉ. Đây vốn là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà ở trên thế giới.

Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, người dân thường không có thói quen bảo mật dữ liệu cá nhân. Do đó, các đối tượng lừa đảo thường dễ dàng thu thập thông tin cá nhân từ nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất là tìm những bình luận đặt hàng của những người mua hàng trên các post bán hàng trực tuyến, với đầy đủ tên, điện thoại, địa chỉ.

Một hình thức lừa đảo khác là những đối tượng đó tự giả mạo bán hàng, lập ra một shop “ảo” tiếp nhận những thông tin mua hàng, hay một shop nhái thương hiệu để mời khách, hoặc đăng tin tuyển dụng người làm thêm tại nhà, làm thêm trực tuyến.

Có thể tại thời điểm đó, người mua hàng chưa biết mình “dính” bẫy, bởi thông tin của họ sẽ được sử dụng cho những lần lừa đảo tiếp theo, nên rất khó liên hệ để tìm đầu mối.

Tuy nhiên, bên cạnh lỗi tự bảo mật thông tin của khách hàng, vẫn có những trường hợp rò rỉ kiểu khác. Trường hợp nhận đúng hàng nhưng từ một shop khác như đã nói ở trên là một ví dụ.

Chị Hà cho biết chị đặt đơn hàng trên một ứng dụng bán hàng trực tuyến khá phổ biến và uy tín, ngoài chị ra không còn bạn bè hay người nhà nào khác biết đơn hàng đó.

Chị đặt câu hỏi về tính bảo mật của các ứng dụng bán hàng hiện nay, liệu có đảm bảo an toàn cho khách hàng hay không, và có hiện tượng rò rỉ đơn cho các shop ngoài hay không.

Bỏ qua hay xử lý đến cùng?

Dù giá trị thiệt hại các vụ lừa đảo khi mua hàng trực tuyến thường không lớn, nhưng trên thực tế, những hành vi này được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và có thể bị xử lý theo các cấp độ khác nhau, hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Lừa đảo mua hàng trực tuyến: Do khách sơ ý hay do lỗ hổng bảo mật? ảnh 2Người mua hàng cần xem kỹ những đánh giá trước khi lựa chọn mua hàng, đồng thời chủ động đánh giá các cửa hàng trực tuyến để giới thiệu hoặc cảnh báo đến những người khác. (Nguồn: Vietnam+)

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144-2021/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ,” thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Như vậy, nạn nhân có thể xem xét tình huống để nhờ pháp luật can thiệp nếu cần thiết. Đối với những giá trị hàng hóa thấp, dù thiệt hại không lớn, nhưng người tiêu dùng có thể lựa chọn những cách thức khác để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với chị Trang, chị chọn cách chia sẻ câu chuyện lên các diễn đàn có đông người trao đổi, để vừa tìm hiểu thêm thông tin nếu có thể, vừa giúp những người khác đọc và cảnh giác trong các tình huống tương tự.

Trong tình huống shop khác "chen chân" giao hàng, chị Cúc cho biết chị đã liên hệ lại với nhân viên giao hàng và kiên quyết thông báo trả lại hàng, hoặc sẽ báo cáo về tình huống đó cũng như shipper đó cho đơn vị vận chuyển. Sau đó, chị đã trả lại được hàng và được hoàn tiền đầy đủ. 

Ngoài ra, khách hàng cần phải tự có các biện pháp phòng tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến, trong đó quan trọng nhất là lựa chọn các cửa hàng quen, có uy tín, được đánh giá tốt. Nếu có điều kiện, cần kiểm tra kỹ mặt hàng trước khi thanh toán để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Với những người thường xuyên mua hàng trực tuyến tại những shop quen, có thể chủ động lưu thông tin tài khoản của khách trên ứng dụng ngân hàng, để đảm bảo chuyển khoản đúng đối tượng, tránh tình trạng chuyển khoản vào những tài khoản ngân hàng khác, thậm chí có thể trùng tên, chỉ khác số tài khoản.

Đặc biệt, hiện nay các ứng dụng nhắn tin đều có chức năng thu hồi các tin nhắn đã gửi, nên những người mua hàng cần nhanh chóng chụp ảnh, lưu lại các bằng chứng cần thiết khi cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo để có căn cứ sử dụng tố cáo sau này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục