Lựa chọn hướng phát triển tài nguyên vùng bờ hiệu quả nhất

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch sử dụng tài nguyên vùng bờ phải lựa chọn được phương án phát triển tốt nhất dựa trên tài nguyên, môi trường, hiệu quả kinh tế.
Lựa chọn hướng phát triển tài nguyên vùng bờ hiệu quả nhất ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 4/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Tổng thể Khai thác, Sử dụng Bền vững Tài nguyên vùng Bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch).

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ cho phát triển các ngành kinh tế ngày càng cao, đặc biệt là du lịch biển, kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics, khai thác, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản, phát triển năng lượng gió...

Các xung đột, chồng lấn về không gian sử dụng giữa bảo vệ, bảo tồn với phát triển kinh tế và giữa các hoạt động phát triển kinh tế với nhau, đã dẫn đến hệ lụy đối với môi trường vùng bờ.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng tài nguyên, hệ sinh thái, môi trường vùng bờ.

[Phó Thủ tướng: Bảo đảm kế hoạch sử dụng đất đai 'vừa tĩnh, vừa động']

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ mở rộng quỹ đất nhằm tăng thêm không gian cho phát triển kinh tế-xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật ven biển thông qua hoạt động lấn biển ở những nơi có điều kiện thích hợp; phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển ở vùng bờ theo hướng hiện đại, xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc của các dân tộc vùng ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận đến biển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội của người dân ven biển; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ.

Tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học tại vùng bờ; 100% các khu bảo tồn biển trong phạm vi vùng bờ không còn rác thải nhựa; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường; hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển...

Lựa chọn hướng phát triển tài nguyên vùng bờ hiệu quả nhất ảnh 2Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch đặt vùng bờ thành trung tâm phát triển kinh tế-văn hóa sôi động, thu hút đầu tư và là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển; đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050...

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng Quy hoạch nên điều chỉnh giai đoạn thực hiện quy hoạch đồng bộ với quy hoạch khác; bổ sung thêm các thông tin về tiềm năng tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể, môi trường để từ đó xây dựng các hệ thống bản đồ phân vùng, bản đồ quy hoạch và định hướng sử dụng tài nguyên vùng bờ phù hợp và sát thực tế.

Các bộ ngành, địa phương cũng nhấn mạnh, phát triển, khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ đi đôi với việc không lơ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Quy hoạch cần thể hiện rõ tính liên ngành, trên nền tảng quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên vùng bờ phù hợp với đặc điểm, khả năng chống chịu của môi trường, hệ sinh thái.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định Quy hoạch có đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý, có mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch: không gian biển; tổng thể quốc gia; vùng; quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu; giao thông...

Quy hoạch thể hiện tính không gian nhưng phải tính toán, tiếp cận dựa trên yếu tố môi trường và hệ sinh thái bền vững; đồng thời lựa chọn hướng phát triển tài nguyên vùng bờ hiệu quả, kinh tế, phù hợp nhất với môi trường, hệ sinh thái, “sàng lọc vấn đề kinh tế với môi trường, dự án khai thác, sử dụng tài nguyên”... theo nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn lực vùng bờ, dựa trên cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường.

“Quy hoạch phải giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khác, lựa chọn được phương án phát triển tốt nhất dựa trên tài nguyên, môi trường, hiệu quả kinh tế,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục