Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, lũ và triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Cụ thể, sáng 5/10, lực lượng chức năng của tỉnh Bình Phước đã phải khẩn cấp sơ tán hàng chục hộ dân ở các phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân (thành phố Đồng Xoài) vì nước lũ dâng cao đột ngột.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, do mưa lớn kéo dài từ chiều tối 4/10 đến rạng sáng 5/10 nên nước từ khu vực thượng nguồn đổ về quá lớn, không thoát kịp.
[Bình Phước: Lũ lớn nhất trong 10 năm, sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân]
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho hay mưa dông kèm theo lốc xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Chương ngày 3/10 làm 1 người chết; 2 nhà bị tốc mái; 10ha ngô bị thiệt hại, 1 cột điện bị đổ; ước tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Tại tỉnh Vĩnh Long, triều cường dâng cao vượt mức báo động III trong những ngày cuối tháng 9/2019 đã làm vỡ nhiều đoạn đê bao, bờ bao trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Với phương châm "4 tại chỗ," các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, vật tư tại chỗ, tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng nhằm để hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, triều cường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khắc phục hậu quả triều cường, ngập lụt, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, gia cố đê bao, bờ bao để đảm bảo an toàn trong kỳ triều cường sắp tới./.