Lũ quét và sạt lở đất tại Sơn La đã làm 13 người chết, 9 người bị thương

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bố trí vị trí không có sụt sạt để tạo mặt bằng, xây dựng nhà, đưa người dân đến nơi ở mới.
Hiện trường vụ sạt lở ở Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát)

Sơn La đã chịu ảnh hưởng 4 đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập úng cục bộ tại thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu và Sông Mã.

Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Bắc Yên. Thiên tai đã làm 13 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại trên 2.800 ngôi nhà; trong đó 283 gia đình phải di dời khẩn cấp.

Ngoài ra, thiên tai còn gây thiệt hại trên 5.700ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 4.200ha lúa, hơn 1.000ha cây công nghiệp và cây rau màu, làm ảnh hưởng 195 công trình thủy lợi, 11 công trình nước sinh hoạt; làm gãy đổ hơn 500 cột điện, cột viễn thông và hàng chục công trình hạ tầng khác. Tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 555 tỷ đồng.

Tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, với quyết tâm sớm ổn định cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, tỉnh đang tập trung cao nhất các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, ưu tiên cứu hộ, cứu nạn.

Khi xảy ra bão lũ, thiên tai, tỉnh sẽ nỗ lực tìm kiếm bằng được những người chết, mất tích. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ khẩn trương, kịp thời cho hộ có người bị chết, bị thương, mất tài sản, đồng thời sắp xếp, ổn định nơi ở cho người dân, di chuyển toàn bộ người và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh đã kịp thời di dời 219 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao và những vùng đang sạt lở, qua đó, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Mai Sơn là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt thiên tai vừa qua. Mưa lũ, sạt lở đất đã làm 6 người chết, 1 người bị thương, 469 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 13 ngôi nhà sập hoàn toàn, 55 nhà bị sạt lở, 320 nhà bị ngập úng, 81 hộ dân phải di chuyển khẩn cấp.

Hàng nghìn m3 đất đá taluy dương tại Km13+400, tỉnh lộ 112 thuộc khu vực bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La bị sạt lở do mưa lớn, ngày 5/8. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, 10 cây cầu bị lũ cuốn trôi; hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; trên 810 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp. Tổng thiệt hại ước tính là trên 118 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã và đang được các địa phương tích cực triển khai.

Bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn là nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng vào sáng 24/7 khiến 5 người thiệt mạng, 3 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đoàn công tác của tỉnh Sơn La, huyện Mai Sơn đã khẩn trương tiếp cận hiện trường vụ sạt lở; huy động gần 100 người gồm các lực lượng chức năng và lực lượng "4 tại chỗ" gấp rút cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Nơi Mùa A Sồng cho hay ngay khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra, xã đã thực hiện phương châm "4 tại chỗ," huy động lực lượng đến hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn. Xã đặc biệt quan tâm đến các hộ có người chết, mất nhà hoàn toàn.

Hiện nay, nhân dân đang dần ổn định đời sống, tinh thần, các nhà có người chết, bị thương, mất nhà hoàn toàn đã được giúp đỡ, hỗ trợ mai táng phí, tiếp tế nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, ở xã vẫn còn nhiều điểm bị sạt lở, đi lại rất khó khăn.

Tại xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người bị thương, 149 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 17 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Hiện nay, người và tài sản của các hộ dân trong vùng bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở đã được hỗ trợ đến nơi an toàn.

Tại một số khu vực sạt lở đất đá, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Lầm Lò Văn Bỉnh chia sẻ ngay sau khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các lực lượng tại hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng, di dời người, tài sản đến nơi an toàn; tiến hành làm cầu tạm qua suối để nhân dân đi lại, thuận tiện cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Châu Hà Trung Thắng cho biết huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, các xã lập hồ sơ đề nghị theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có hỗ trợ về nhà ở, vật nuôi, cây trồng; giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp lên phương án phục hồi sản xuất cho nhân dân.

Đặc biệt, đối với các khu vực thiệt hại hoàn toàn, ruộng lúa bị ngập, huyện đang lên phương án phục hồi đất rồi mới đi vào sản xuất hoặc để nhân dân canh tác những giống cây trồng ngắn ngày, đảm bảo lương thực trước mắt.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, việc khắc phục về cơ sở hạ tầng giao thông, xử lý sạt lở cũng được đặc biệt quan tâm. Đến nay, các vị trí ách tắc trên các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ cơ bản được thông xe tạm thời. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đã được khắc phục, sửa chữa để cấp cho người dân.

Các tuyến kênh, mương bị sa bồi cũng được nạo vét, khơi thông dòng chảy, phục vụ sản xuất. Các địa phương triển khai tốt việc cứu chữa kịp thời cho những người bị thương, xử lý môi trường sau mưa lũ, tiến hành tiêu độc, khử trùng tại các vùng ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin thêm thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bố trí vị trí không có sụt sạt để san lấp, tạo mặt bằng, xây dựng nhà, điện, đường ổn định để đưa người dân đến nơi ở mới, không phải tái định cư nhiều lần. Đây là nhiệm vụ cấp bách, do đó, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực, trong đó dự phòng ngân sách tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ để ổn định, sắp xếp tái định cư cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục