Lũ quét tại Ấn Độ: 14 người thiệt mạng và 102 người mất tích

Mưa lớn tại khu vực hồ Lhonak khiến mực nước đập Chungthang ở thượng nguồn dâng cao, buộc cơ quan quản lý phải xả nước xuống hạ nguồn gây ra lũ lụt và lũ quét ở khu vực sông Teesta.
Nước sông Teesta dâng cao do mưa lớn gây ngập lụt tại thung lũng Lachen, bang Sikkim, Ấn Độ ngày 4/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/10, giới chức Ấn Độ cho biết trận lũ quét ở bang Sikkim, Đông Bắc nước này, đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, 102 người, trong đó có 22 binh sỹ, đang mất tích và 22.000 người bị ảnh hưởng.

Mưa lớn tại khu vực hồ Lhonak khiến mực nước đập Chungthang ở thượng nguồn dâng cao, buộc cơ quan quản lý phải xả nước xuống hạ nguồn. Động thái này đã gây ra lũ lụt và lũ quét ở khu vực hạ nguồn Sông Teesta, gần biên giới của Ấn Độ với Nepal và Trung Quốc.

Công tác tìm kiếm, cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, ngập lụt và nước sông chảy siết.

Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Ấn Độ, lũ quét cũng khiến ít nhất 26 người bị thương và cuốn trôi 11 cây cầu. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp diễn ở Sikkim và các bang lân cận trong 2 ngày tới, có nguy cơ gây lở đất và gián đoạn hoạt động hàng không.

Lũ quét thường xảy ra trong mùa mưa, vốn kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 9 tại Ấn Độ. Thông thường đến tháng 10, những cơn mưa lớn không còn xuất hiện tại nước này.

[10 người thiệt mạng và hơn 80 người mất tích do lũ quét tại Ấn Độ]

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và hậu quả nghiêm trọng của các trận mưa trong mùa mưa tại nước này.

Cùng với mưa lớn gây lũ lụt, các sông băng tan chảy cũng tạo ra một lượng nước lớn, trong khi việc xây dựng không theo quy hoạch tại các khu vực dễ xảy ra lũ làm cho mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng nghiêm trọng.

Các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do Trái Đất ấm lên, khiến các cộng đồng cư dân đối mặt với những thảm họa khó lường.

Tháng 6 vừa qua, Trung tâm Phát triển Vùng núi Quốc tế (ICIMOD) công bố báo cáo cho thấy từ năm 2011 đến năm 2020, tốc độ các sông băng biến mất nhanh hơn 65% so với thập kỷ trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục