Một bộ phim mô tả hàng ngàn người tháo chạy khỏi tuyến đường tàu điện ngầm huyền thoại bị ngập nước ở Mátxcơva đã lập tức đứng đầu doanh thu phòng vé ở Nga. Bộ phim, mang tựa đề đơn giản "Metro," đã mô tả những gì có thể xảy ra nếu hệ thống tàu điện ngầm của Mátxcơva, bị ngập nước rò rỉ từ sông Mátxcơva chảy ngay trên đầu nó, với cảnh một đoàn tàu đang băng nhanh đã đâm vào một bức tường nước. Trong năm ngoái, hệ thống này đã chuyên chở hơn 2 tỷ hành khách, nên nếu thảm họa thật sự xảy ra thì không ai tưởng tượng nổi hậu quả sẽ ra sao. Bộ phim được quay trong một hệ thống tàu điện thực sự, nhưng ở thành phố Samara ở vùng Volga, không phải Mátxcơva. Dù vậy, bộ phim vẫn rất chân thực, từ các toa tàu màu xanh cho tới các thiết bị giám sát đã mất liên lạc với đoàn tàu trong phim. Bộ phim đã đứng đầu doanh thu phòng vé tuần đầu ở Nga và đã đánh bại bộ phim "The Last Stand" của người hùng hành động mới trở lại màn bạc Arnold Schwarzenegger. Phim giờ đã thu về 9,7 triệu USD, theo các con số tính toán sơ bộ do tạp chí Variety Russia công bố. Ngân sách làm phim rơi vào khoảng 13 triệu USD, gồm 6 triệu USD từ một nguồn vốn nhà nước nhằm khuyến khích điện ảnh nội địa. Hệ thống tàu điện ngầm Mátxcơva đã có nhiều huyền thoại, lời đồn bao quanh nó, từ những con gián khổng lồ được cho là chạy qua chạy lại trong hệ thống đường ngầm, cho tới những đoạn hầm chạy thẳng tới điện Kremlin. Các vật trang trí của nó gồm nhiều loại bùa phép, như con chó bằng đồng đặt tại nhà ga Quảng trường Cách mạng, với phần mũi của nó đã sáng bóng do người ta thường chạm tay vào đây để lấy may. Người Mátxcơva cũng nhớ tới nhiều thảm họa thực đã gắn với hệ thống tàu điện ngầm này, gồm các vụ đánh bom tự sát chết chóc trong năm 2004 và 2010. Những người Mátxcơva giàu có thường không bao giờ xuống sử dụng tàu điện ngầm, dù việc này có nghĩa họ sẽ phải chấp nhận cảnh kẹt xe trong hàng giờ đồng hồ. Bộ phim mới nhất đã đánh vào tâm lý lo sợ liên quan tới hệ thống tàu điện ngầm đã cũ này. Nhưng đạo diễn phim bác bỏ các ý kiến cho rằng nó có thể khiến những người sống sót sau các vụ đánh bom tự sát tức giận. "Nếu tranh cãi kiểu đó thì chúng ta không thể làm được các bộ phim với đề tài Thế chiến thứ Hai. Chúng ta không thể làm được bất kỳ phim nào cả vì kiểu gì chúng cũng động chạm tới những con người đã có các trải nghiệm liên quan" - đạo diễn Anton Megerdichev nói tại một cuộc họp báo. Không ngạc nhiên khi ban quản lý hệ thống tàu điện ngầm Mátxcơva đã không hứng thú với việc làm phim. Họ đã cấm đoàn làm phim ghi hình tại các nhà ga của mình. Không nản chí, ê kíp làm phim đã tới Minsk, thủ đô Belarus, nơi đã xảy ra một vụ tấn công đường tàu điện ngầm chết chóc vào tháng 4/2011, ngay trước khi bộ phim bắt đầu thu hình.
Cảnh hầm tầu điện ngầm ngập trong biển nước trong bộ phim Metro (Nguồn: AFP)
Cuối cùng, nhóm dừng chân tại Samara, cách Mátxcơva 1.050km, nơi hệ thống tàu điện ngầm ít được sử dụng đã khiến cho các cảnh quay trở nên rất thật. "Điều thú vị nhất là không khí ẩm ướt. Nước nhỏ khắp nơi và chúng tôi chẳng phải tạo bất kỳ hiệu ứng đồ họa nào. Người ta thường xuyên phải lau chùi các nhà ga, vì thế về cơ bản bối cảnh là hoàn hảo với chúng tôi" - đạo diễn nói. Phim có nhân vật chính Sergei Puskepalis, người nổi tiếng với vai diễn trong phim giành giải Liên hoan phim BFI London 2010 là "How I Ended Last Summer". Anh này thủ vai một bác sĩ phẫu thuật đã đưa con tới trường bằng hệ thống đường tàu điện ngầm, để rồi phát hiện mình đang ngồi cùng toa tàu với người tình của vợ, một tay buôn bất động sản đã miễn cưỡng dùng tàu điện ngầm do bị kẹt xe trên mặt đất. Bối cảnh phim xoay quanh cuộc ganh đua giữa viên bác sĩ với tay người tình ăn mặc bảnh bao nhưng tàn bạo. Nhưng ngôi sao thực sự của phim là nước: với tổng cộng 9 tấn đã được sử dụng. Nước ngập trong một đoạn hầm tối, đôi khi dâng lên trong các con sóng lớn, có lúc đã chạm gần tới trần đường hầm. Các nhà phê bình phim Nga đã ca ngợi bộ phim, xem đây như một nỗ lực nội địa hiếm hoi nhằm sản xuất phim thảm họa, một thể loại phim tràn ngập Hollywood nhưng hiếm khi lên màn bạc Nga kể từ sau phim "Air Crew" của Liên Xô hồi năm 1979. "Điện ảnh Nga đã có bước đột phá" - tờ Vedomosti đánh giá. Còn tạp chí Afisha thì không tiếc lời ca ngợi: "Metro là một bộ phim được dàn dựng xuất sắc, với mọi cảnh trong thảm họa đều trông rất thực và việc phim thường xuyên tạo nên các khoảnh khắc hồi hộp"./.
Linh Vũ (Vietnam+)