Các công tố viên Đức ngày 2/8 cho biết họ đang xem xét khả năng điều tra tội ngộ sát đối với giới chức trách tại khu vực Tây Bắc nước Đức liên quan trận lũ lụt giữa tháng Bảy vừa qua.
Khoảng 186 người đã thiệt mạng, 26 người vẫn mất tích và 766 người bị thương trong trận lũ lụt nói trên.
Bang Rhineland-Palatinate bị thiệt hại nặng nề nhất với 132 người thiệt mạng.
Tổn thất lớn như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi liệu nhà chức trách có hành động kịp thời để cảnh báo người dân trước khi xảy ra thiên tai hay không.
Các công tố viên cho biết hiện họ đang thu thập bằng chứng xem có đủ cơ sở để tiến hành điều tra tội danh lơ là trách nhiệm, bất cẩn đối với giới chức trách địa phương do chậm trễ hoặc không đưa ra cảnh báo sớm cũng như sơ tán người dân kịp thời, để xảy ra thiệt hại nặng nề.
Trong số các bằng chứng có báo cáo của cảnh sát về việc 12 người thiệt mạng tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe ở thị trấn Sinzig, nơi tầng trệt bị ngập lụt nhanh và người dân không kịp sơ tán an toàn.
[Hơn 180 người chết, hàng trăm người bị thương trong đợt mưa lũ tại Đức]
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin rằng chính quyền địa phương ở Ahrweiler đã được Cơ quan môi trường bang cảnh báo về nguy cơ xảy ra lụt vào chiều 14/7.
Theo đó, vào lúc 21h30, nhà chức trách được thông báo rằng máy đo quan trắc cho thấy lũ lụt có thể dâng cao gần 7 mét, nhưng 90 phút sau đó họ mới tuyên bố thảm họa và ra lệnh sơ tán một phần khu vực.
Tuy nhiên, ông Heinz Wolschendorf, người phụ trách các dịch vụ cứu hộ tại khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất - vùng Ahrtal ở bang Rhineland-Palatinate - khẳng định các hoạt động cứu hộ đã được triển khai khẩn cấp và lực lượng cứu hộ đã làm hết sức có thể để hỗ trợ người dân.
Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết trong tương lai Đức sẽ gửi cảnh báo thiên tai thông qua tin nhắn trên điện thoại di động để người dân kịp thời nắm được những thông tin.
Sau thảm họa thiên tai nêu trên, nhiều địa phương ở bang Rheinland-Palatinate yêu cầu thiết lập một hệ thống cảnh báo với các cột còi báo động mới.
Theo các địa phương, hệ thống báo động số sẽ không có tác dụng nếu chuông bị tắt, do vậy cần có hệ thống còi báo động tập trung theo điểm để cảnh báo mọi người dân, kể cả trong trường hợp xảy ra các sự cố khác, như bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học...
Trận lũ lụt kinh hoàng tuần trước cũng đã khiến nhiều tuyến quốc lộ và đường cao tốc bị tê liệt trong khi lưới điện bị hỏng và nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại về cơ sở hạ tầng đường sắt tại Đức là gần 1,3 tỷ euro (1,5 tỷ USD)./.